Đột ngột ngừng tim khi chạy marathon… bác sĩ cảnh báo nóng

Liên tục có nhiều trường hợp bị choáng, ngã gục, thậm chí đột tử khi chơi thể thao. Sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ giúp tăng cơ hội cứu sống người bị nạn.

“Trên thế giới từng ghi nhận không ít trường hợp tử vong trên đường chạy. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do hai lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não”, TS.BS Lê Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết.

Nguyên nhân gây ngừng tim khi chơi thể thao

Mới đây, bà N.T.P. (53 tuổi, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) tham gia một giải chạy marathon tại TP Huế, tuy nhiên khi đang chạy thì người phụ nữ này ngã quỵ. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngừng tuần hoàn và hô hấp. Dù được bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Trước đó, tháng 4/2024, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận nam thanh niên 34 tuổi bị ngưng tim ngay gần về đích, khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị hồi sức nhưng bệnh nhân đã tử vong.

Đang chạy marathon người phụ nữ đột ngột ngừng tim - Ảnh Báo Tuổi trẻ và Pháp luật

Theo TS.BS Lê Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trên thế giới từng ghi nhận không ít trường hợp tử vong trên đường chạy. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do hai lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não.

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết thêm, nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng. Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải khiến những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn bị khởi kích, như loạn nhịp nguy hiểm hoặc kích thích nghẽn đường ra thất trái trong bệnh cơ tim phì đại…, hậu quả ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời. Việc sơ cứu, cấp cứu cần nhanh, đúng quy trình và chuyên môn.

Tập luyện thể thao là một biện pháp được khuyến cáo nhằm giúp giảm nguy cơ tim mạch, tuy nhiên hoạt động thể lực cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột ở bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc chưa.

Theo BS Lê Nhật Cường, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đã biết trước hoặc có bệnh lý tim mạch nhưng chưa được phát hiện và điều trị.

Hoạt động thể lực cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột - Ảnh minh họa

Một số nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột có thể gặp như:

Bệnh động mạch chủ: Ở những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, Hội chứng Marfan (một rối loạn di truyền gây suy yếu thành động mạch chủ), bất thường van động mạch chủ (động mạch chủ hai lá van), khi hoạt động thể lực mạnh, động mạch chủ có thể bị rách và gây tử vong cho bệnh nhân.

Xơ vữa động mạch vành: Khi vận động thể lực mạnh, gây nứt vỡ đột ngột các mảng xơ vữa dẫn đến hình thành huyết khối và nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến ngừng tim.

Các bất thường bẩm sinh của động mạch vành: thường gây thiếu máu cơ tim âm thầm, tạo ra sẹo xơ trên bề mặt cơ tim và chính những vị trí xơ này là nguồn gốc phát sinh rối loạn nhịp dẫn tới ngừng tim đột ngột.

Bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, bệnh cơ tim phì đại.

Các bệnh lý van tim gây phì đại buồng tim, giãn buồng tim cũng có thể gây ra các rối loạn nhịp tim dẫn tới ngừng tim đột ngột.

Các bệnh lý rối loạn nhịp tim: một số bệnh lý như nhịp nhanh kịch phát trên thất, hội chứng QT dài, hội chứng Brugada,..

Chơi thể thao thế nào để an toàn?

Để tránh các biến cố đáng tiếc xảy ra khi chơi thể thao, các chuyên gia tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã đưa ra lời khuyên:

Chơi thể thao phù hợp với sức khỏe: Người trẻ khỏe mạnh thì có thể tập các môn thể thao mạnh, gắng sức như gym, bóng chuyền, bóng đá, chạy bộ…, người lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch chỉ nên tập các môn nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, thái cực quyền…

Khám sức khỏe định kỳ để biết được tình trạng sức khỏe, phát hiện những bệnh lý tiềm tàng, từ đó giúp ta có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao phù hợp.

Khi bắt đầu tập một môn thể thao, cần khởi động kỹ và nên tập ở cường độ nhẹ vừa phải, "lắng nghe" cơ thể sau đó mới dần tăng cường độ. Khi cảm thấy mệt hay khó thở, đau ngực, cần dừng tập luyện ngay…

Không nên tập thể thao ở điều kiện khắc nghiệt như ngoài trời nắng nóng, phòng tập quá nóng, quá lạnh…

Tập thể dục thể thao cần phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi - Ảnh minh họa

Khi phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập thể dục thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng mát, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không.

Nếu người này bất tỉnh, lay gọi không có đáp ứng, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng hô hấp tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt) như sau:

Đặt tay lên giữa ngực nạn nhân, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh vuông góc với lồng ngực, sao cho lồng ngực lún xuống 5cm, sau mỗi lần ép, cần để cho lồng ngực nở ra hoàn toàn.

Ép tim với tần số từ 100 đến 120 lần mỗi phút. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt Có thể chấp nhận việc ép tim liên tục mà không cần thổi ngạt. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi đội xe cấp cứu 115 đến hiện trường.

Song song với việc cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn, cần hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ, gọi cấp cứu 115. Nếu chỉ có một mình, cần gọi điện thoại 115, bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và nhận hướng dẫn liên tục từ trung tâm cấp cứu 115.

Với những trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, ta cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo chật, bổ sung nước điện giải, nếu người bệnh vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, đau tức ngực, khó thở … thì cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để thăm khám điều trị.

Nếu nạn nhân có những chấn thương gãy xương, có vết thương chảy máu thì cần được rửa sạch vết thương, băng cầm máu và cố định xương gãy trước khi vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Ngày 6/4, bà N.T.P. (53 tuổi, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) tham gia một giải chạy marathon tại TP Huế, tuy nhiên khi đang chạy thì người phụ nữ này ngã quỵ. Mặc dù được những runner khác hô hấp nhân tạo và các bác sĩ tham gia công tác y tế của giải chạy hỗ trợ y tế nhưng bà P. có dấu hiệu ngưng tim.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngừng tuần hoàn và hô hấp. Sau khi hồi sức, bệnh nhân P. có mạch, huyết áp (duy trì vận mạch liều cao). Tuy nhiên bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, không có phản xạ, đồng tử giãn.

Qua CT scan, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch thông trước (kèm 1 túi phình động mạch não giữa trái), tổn thương não lan tỏa do ngưng tim kéo dài.

Đến khuya 6/4, bệnh nhân có mạch rời rạc, người nhà xin đưa về nhà, sau đó bệnh nhân đã tử vong. Theo các bác sĩ, trước khi tham gia giải chạy, bệnh nhân P có bệnh lý nền, bị phình mạch não.

Thúy Nga