Theo một số người dân sinh sống ở gần đó cho biết, nguyên nhân dẫn tới rất nhiều cây xanh bị cháy rụi là do ai đó đã châm lửa đốt rác thải, cỏ và lá khô nhưng không trông coi kiểm soát ngọn lửa, dẫn tới lửa cháy lan và hậu quả là hàng trăm cây xanh bị thiêu cháy.
Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên những cây xanh là “nạn nhân” của tình trạng đốt rác, cây cỏ. Từ nhiều năm nay, không ít người dân (cả thành thị lẫn nông thôn) luôn có suy nghĩ rất sai lầm, khi họ coi việc đốt rác, cỏ cây là… làm sạch sẽ môi trường, nhưng kỳ thực lại làm hại môi trường, làm chết cây xanh. Thậm chí nếu không kiểm soát được lửa, có thể còn cháy lan đến bốt điện, đường điện, cáp viễn thông, nhà dân…
|
Một hàng dài cây xanh ven đường Mê Linh bị cháy xém đến chết bởi người dân thiếu ý thức nào đó đốt rác, cỏ cây mà không canh chừng, khống chế. |
Vẫn biết rằng cây xanh đô thị, cũng như cây xanh trồng ở ven các tuyến đường giao thông nói chung, khi bị gãy đổ, bị chết cũng sẽ được trồng thay thế lại nhưng để ươm trồng được những cây xanh đã đã lớn, tạo cảnh quan, điều hoà môi trường sống thì phải mất một thời gian khá dài cùng bao công sức, tiền bạc. Chính vì thế việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh là bảo vệ môi trường sống và cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Vậy nên mọi người dân tuyệt đối không xâm hại làm ảnh hưởng tới cây xanh, nhất là không đốt rác, cỏ, là cây khô…, gần gốc cũng như dưới những tán cây xanh.
Được biết, theo điều 54 nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đối với một trong các hành vi: Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây; chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây…
Lê Thị Kết
(Huyện Đông Anh, Hà Nội; Email: ketle*****@gmail.com)