Đồng Nai: Người dân lo lắng vì hướng tuyến Vành đai 4 có thể điều chỉnh

Lo lắng việc điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4 sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống, người dân Đồng Nai gửi đơn kiến nghị lên tỉnh. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua họ chưa nhận được sự phản hồi.
Dân đồng loạt ký đơn kiến nghị
Ngày 14/6/2022, hàng chục người dân xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Đồng Nai (và một số cơ quan khác), bày tỏ sự lo lắng trước thông tin điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4.
Theo đơn kiến nghị, theo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn năm 2011-2020, đường Vành đai 4 đi qua xã Tây Hòa đã được xác định ranh giới và hướng tuyến, được công bố cho người dân để thực hiện các quy định về đất đai xây dựng.
“Tuyến đường Vành đai 4 sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, và người dân chúng tôi. Do đó, toàn thể người dân rất mong Nhà nước sớm thực hiện triển khai dự án để mang lại lợi ích cho xã hội.
Căn cứ theo quy hoạch đó, chính quyền địa phương đã hướng dẫn, và các hộ dân đã không xây dựng nhà cửa và các công trình kiến trúc trên phạm vi ranh giới nằm trong quy hoạch phần đất mà Đường vành đai 4 đi qua, nhằm ổn định cuộc sống cũng như tạo thuận lợi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện thi công dự án”, người dân trình bày trong đơn kiến nghị.
Dong Nai: Nguoi dan lo lang vi huong tuyen Vanh dai 4 co the dieu chinh
Đơn kiến nghị của người dân xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân Thọ 
Đến năm 2021, khi UBND huyện lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, thì vị trí hướng tuyến của đường Vành đai 4 đã dịch chuyển, lấn hết phần nhà ở của họ đang sinh sống.
Nên người dân cho rằng việc điều chỉnh hướng tuyến như vậy sẽ gây ra những hệ luỵ như: Tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, vì sẽ lấy vào rất nhiều nhà dân đã xây dựng kiên cố, đang sinh sống ổn định; phải thực hiện bồi thường, tái định cư cho rất nhiều người dân.
Đồng thời, trong đơn kiến nghị người dân cũng bày tỏ lo lắng: “Trong những năm gần đây, cuộc sống đã rất khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, nay lại đe doạ mất nhà ở. Khoảng 99% các hộ dân chúng tôi gồm hai, ba thế hệ đều sống trong một ngôi nhà và canh tác nông nghiệp. Chúng tôi muốn vay vốn ngân hàng để sản xuất cũng không được, vì nhà ở và đất nằm trong quy hoạch đường Vành đai 4, nên không có tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào chịu cầm cố”.
Kết thúc đơn kiến nghị, người dân mong muốn các ban, ngành xem xét, trả lại đúng hướng tuyến đã quy hoạch trước đây. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, người dân chưa nhận được phản hồi từ UBND tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết “không có thấy đơn nào liên quan đến tuyến đường này”.
“Ưu tiên kỹ thuật và ít ảnh hưởng người dân”
Ngoài phương án 1 theo quy hoạch năm 2011 đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị tư vấn phương án hướng tuyến dự án Vành đai, đã đề xuất với UBND tỉnh Đồng Nai thêm hai phương án điều chỉnh hướng tuyến nữa, là thành 3 phương án. Cụ thể:
Phương án 1, hướng tuyến sẽ đi theo quy hoạch đường Vành đai 4 - TP HCM đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phương án 2, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Phương án 3, hướng tuyến đi theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương có xem xét điều chỉnh cục bộ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.
Dong Nai: Nguoi dan lo lang vi huong tuyen Vanh dai 4 co the dieu chinh-Hinh-2
Khu vực hướng tuyến Vành đai 4 sẽ đi qua theo phương án 1. Ảnh: Lê Xuân Thọ 
Tháng 2/2023, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết được giao lập báo cáo nhiên cứu tiền khả thị dự án tuyến đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Toàn tuyến có tổng chiều dài gần 200 km, đoạn qua tỉnh Đồng nai dài khoảng 45 km.
Khi được hỏi chính quyền đã chốt phương án nào chưa, bà Hoàng cho biết “hình như vẫn chưa chốt phương án hướng tuyến”. Trước đây, bà Hoàng có đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, nghiên cứu các phương án 2 và 3.
Còn những hộ dân gửi kiến nghị, khi trao đổi thêm với phóng viên thì cho rằng phương án 2 đang là phương án khiến họ lo lắng nhất và đã làm đơn kiến nghị. Nên họ cho rằng chính quyền nên chọn phương án 1 hoặc phương án 2.
Sáng 23/5, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai để cập nhật, trao đổi thêm thông tin nhưng chưa được.
Trao đổi với báo chí trước đây, ông Bình cho rằng hướng tuyến cần thực hiện theo quy hoạch đã có, việc điều chỉnh hướng tuyến chưa chắc chắn sẽ giảm được tổng mức đầu tư.
“Quan điểm nhất quán của chính quyền khi triển khai dự án này như thế nào?”, phóng viên đặt câu hỏi. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trả lời: “Quan điểm của chính quyền là vừa ưu tiên kỹ thuật, vừa ít ảnh hưởng đến người dân”.
Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!
Lê Xuân Thọ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN