Đối tượng đâm nhiều người làm phơi nhiễm HIV bị tâm thần xử lý thế nào?

Đang di chuyển trên đường, nhiều người bất ngờ bị đối tượng lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công, đâm vào người và phải đến điều trị phơi nhiễm HIV. Trường hợp đối tượng đâm nhiều người làm phơi nhiễm HIV bị tâm thần thì xử lý thế nào?
Liên quan vụ việc đối tượng đâm nhiều người làm phơi nhiễm HIV, Công an TP HCM đã xác định đối tượng tình nghi và mời làm việc. Tuy nhiên, đối tượng đâm nhiều người làm phơi nhiễm HIV có dấu hiệu bị tâm thần. Dư luận đặt ra câu hỏi, trường hợp này nghi phạm sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật nếu thực hiện hành vi trên?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh - Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, nhìn nhận từ vụ việc trên, hành vi của đối tượng sử dụng vật sắc nhọn tác động vào cơ thể của những người dân đi đường đã xâm hại đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ.
Đối tượng còn mang trên mình căn bệnh HIV đã gây hoang mang lo lắng cho những người dân về sự lây nhiễm bệnh HIV từ dụng cụ sắc nhọn của đối tượng khi tác động vào cơ thể.
Doi tuong dam nhieu nguoi lam phoi nhiem HIV bi tam than xu ly the nao?
Nhiều nạn nhân lưu thông qua khu vực cầu Nguyễn Văn Cù, quận 5, TP HCM bị đối tượng lạ mặt dùng vật nhọn đâm. Các nạn nhân phải đến bệnh viện  tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. 
“Nếu có căn cứ xác định đối tượng biết rõ mình đang mang bệnh HIV, (đã đi khám điều trị HIV) mà cố ý sử dụng vật sắc nhọn, có dính máu mang mầm mống virut HIV để lan truyền cho những người khác. Hậu quả, những người này bị bệnh HIV thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lây truyền HIV cho người khác theo Điều 148 bộ luật Hình sự 2015.
Người bị nhiễm HIV là người đã bị vi rút HIV xâm nhập vào cơ thể và được các cơ quan Y tế xét nghiệm và kết luận đã bị nhiễm HIV”, Luật sư Thơm cho biết.
Nói về việc nghi phạm đâm nhiều người làm phơi nhiễm HIV có dấu hiệu bị tâm thần, Luật sư Thơm cho rằng, Cơ quan điều tra cần thiết phải trưng cầu khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của đối tượng để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trường hợp, đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp, đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm”, Luật sư Thơm cho biết.
Vị luật sư nhận định, đây là vụ việc nghiêm trọng, hành vi của đối tượng không những đã xâm hại đến sức khỏe của người khác mà còn gây mất trật tự trị an trên địa bàn và gây hoang mang lo sợ cho người dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu đủ căn cứ.
Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác.
1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN