Doanh nghiệp muốn vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ phải làm gì?

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức đưa ra hướng dẫn cụ thể liên quan tới gói 120.000 tỷ đồng, trong đó có một số yêu cầu bắt buộc đối với chủ đầu tư và người mua nhà.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chính thức được triển khai, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay ưu đãi trong thời hạn 5 năm.

Đối tượng được hưởng phải là người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 01 lần để mua 01 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của Chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại hương trình này 01 lần.

Doanh nghiep muon vay goi tin dung 120 nghin ty phai lam gi?
Ảnh minh họa, nguồn: internet

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.

Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Chủ đầu tư là 8,7%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Người mua nhà là 8,2%/năm.

Từ 1/7/2023, định kỳ mỗi 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi đến các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Nguyên tắc xác định lãi suất theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, là thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo các chuyên gia nhận định dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên thị trường hiện nay đang rất ít trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở phân khúc này lại vô cùng lớn. Hiện tại, khi thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn tự điều chỉnh để cân bằng trở lại, phát triển an toàn, bền vững, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm và có ý định tham gia phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, từ ý định đi đến hiện thực và cho ra sản phẩm là quá trình dài cần nhiều thời gian.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận xét gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này muốn làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì chủ đầu tư phải có quỹ đất, quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Trong khi đây lại đang là trở ngại do thời gian qua rất nhiều dự án "nghẽn" do "vấp" phải thủ tục pháp lý và còn nhiều bất cập.

Vì lý do này, không nhiều chủ đầu tư mặn mà phát triển phân khúc nhà ở này. Điều này khiến số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ tiếp tục khan hiếm, nguồn cung khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay. Như vậy, dù tiền có sẵn cũng rất khó để giải ngân cho người mua vay, ông Hùng phân tích.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, gói tín dụng này chỉ là điều kiện đủ để người dân dễ dàng mua được nhà ở xã hội hơn. Còn theo thực tế hiện nay, điều kiện cần là số lượng nguồn cung dự án nhà ở xã hội thì vẫn còn khan hiếm, đang thiếu rất nhiều.

Minh Quang