ĐIỀU TRA: Đăng kiểm làm tiền ở 2 trung tâm TP HCM

Khi xe không đạt, các đăng kiểm viên ngã giá, chung chi, yêu cầu tài xế để tiền trên cabin rồi thản nhiên lấy tiền bỏ túi.

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm gây rúng động dư luận, trong đó có một phần do lỗi kỹ thuật của xe. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các ôtô gây tai nạn đa phần còn trong hạn đăng kiểm. Dư luận nghi ngờ việc đăng kiểm có vấn đề.

PV chứng kiến, ghi nhận thực tế nhiều xe không đủ điều kiện vẫn lọt cửa đăng kiểm bằng những cuộc ngã giá, chung chi ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Với dây chuyền kỹ thuật đăng kiểm hiện đại, việc các ôtô cũ nát, quá trọng tải, mất thắng... “chui qua lỗ kim” đăng kiểm là không thể nếu đăng kiểm viên làm việc công tâm.

Tuy nhiên, thực tế ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì chuyện ôtô không đủ điều kiện kỹ thuật “qua cửa” đăng kiểm xảy ra hà rầm, miễn là chủ xe, tài xế chịu chung chi, có nơi còn “bao đậu” cho tất cả xe.

Bình Chánh: Thỏa thuận ở... toilet, lấy tiền trong cabin xe

Các tài xế rỉ tai nhau: Ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-12D tại D3/16G thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, các đăng kiểm viên dễ dàng cho qua các lỗi. Để “chui được lỗ kim đăng kiểm”, chủ xe, tài xế phải “biết điều”. Giá được đưa ra là 500.000 đồng cho xe tải nhỏ, ôtô bốn chỗ và khoảng 1 triệu đồng cho xe tải trọng lớn, dính các lỗi nặng về kỹ thuật, không đủ điều kiện đăng kiểm.

DIEU TRA: Dang kiem lam tien o 2 trung tam TP HCM

Đăng kiểm viên tên Lý của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-12D ở Bình Chánh ngã giá với tài xế ở khu vực toilet.

Trong tháng 12/2019, có mặt tại đơn vị này, chúng tôi ghi nhận trung tâm có hai dây chuyền kiểm định với khoảng 10 đăng kiểm viên làm việc và hai bảo vệ làm nhiệm vụ hướng dẫn tài xế di chuyển, xếp xe theo hàng. Trung tâm này luôn có nhiều ôtô đến đăng kiểm, nằm nối đuôi tới tận cổng phía đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Chúng tôi vào bên trong, một bảo vệ nơi đây tiết lộ: Phải chung chi cho người dán tem đăng kiểm trong cabin xe: “Đóng tiền hồ sơ rồi đưa tiền cho cái anh dán tem kia, anh ấy sẽ lấy đưa cho mấy anh ở trong (đăng kiểm viên xét xe - PV)”, người này nói và chỉ tay về phía một đăng kiểm viên đang đi trên sân.

Trong những ngày có mặt tại đây, một đăng kiểm viên tên Lý cho biết là “nhận đăng kiểm bao đậu” cho tất cả loại xe. Người này cho số điện thoại, dặn chúng tôi là nên gọi điện thoại trước khi đến.

“Giá mỗi xe là năm xị (500.000 đồng) nếu xe đúng, còn xe sai là tám xị (800.000 đồng), đến thì điện trước cho tôi là được rồi” - Lý nói.

Giữa tháng 12/2019, chúng tôi đi cùng một tài xế xe tải đường dài đến trung tâm để đăng kiểm cho chiếc xe tải còn bốn năm là hết niên hạn sử dụng. Sau khi làm các thủ tục, phải mất hơn 1 giờ xe mới tới lượt đăng kiểm.

Các nhân viên ở đây thực hiện các bước theo dây chuyền kiểm tra, sau đó Lý gọi tài xế báo là xe vượt quá trọng tải 1,5 tấn.

Tuy nhiên, tài xế làm “lơ” cảnh báo này mà đi đến phòng làm hồ sơ đóng phí đường bộ để nhận sổ đăng kiểm. Tại đây, nhân viên báo xe không đạt và yêu cầu ra ngoài gặp Lý để được giải đáp chi tiết.

Cực chẳng đã tài xế phải gặp Lý và người này dẫn tài xế đến một góc khuất tại khu nhà vệ sinh để “hướng dẫn”: “Xe này lần trước làm (đăng kiểm - PV) đưa cho người ta bao nhiêu? Lần trước đăng kiểm ở đâu tôi biết hết chứ ông nói đưa 500.000 là không thiệt rồi! Tôi biết nên tôi mới nói”. Lý trao đổi với tài xế.

Lý tiếp lời: “Lần trước ông đưa bao nhiêu thì bây giờ cũng vậy, có khác gì đâu. Tôi làm 800.000 đến 1 triệu đồng, không bao giờ 500.000 đồng đâu. Xe mình nó sai, anh nói làm có năm xị (500.000 đồng) thì tôi bảo đảm là không phải rồi, được thì tôi làm hồ sơ cho”.

Sau đó, Lý chỉ tay về phía Hưng (người dán tem) và bảo tài xế đưa tiền cho Hưng. “Đưa nó tám xị đi, xe ông nặng quá...”. Ngã giá thành công, tài xế được nhận sổ đăng kiểm và Hưng lên cabin dán tem đăng kiểm.

Trong cabin ôtô, tài xế tiếp tục thắc mắc về giá tiền, Hưng vừa dán tem vừa nói: “Lúc nãy anh nói với người ta bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu”. Tài xế móc bóp, đếm tiền đưa cho Hưng 800.000 đồng và người này nhanh tay lấy tiền, thản nhiên nhét vào túi quần rồi nhanh chóng rời khỏi cabin xe.

Bình Triệu: “Đâu phải thích là lấy được tiền các ông?”

Cuối tháng 12, tài xế H. chạy xe giường nằm 45 chỗ đến đăng kiểm theo định kỳ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03S (số 6/6 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Trung tâm này có ba dây chuyền kiểm định với khoảng 10 nhân viên. Ở đầu mỗi dây chuyền kiểm định đều có dán bảng với dòng chữ “yêu cầu chủ phương tiện không để tiền và vật có giá trị trên xe khi đưa xe vào dây chuyền kiểm định”.

Tuy nhiên, thực tế là tài xế phải biết “để quên” tiền trên xe cho nhân viên đến “kiểm”.

Sau khi tài xế H. làm xong các thủ tục cần thiết và đưa xe vào dây chuyền kiểm định thì một nhân viên đăng kiểm lên hỏi thăm “bệnh tình” của xe. Khi được tài xế thông báo xe thiếu búa thoát hiểm, hầm xe có tí “bệnh” vì không vách ngăn thì người này bước xuống nói chuyện với một đăng kiểm viên tên Bình.

DIEU TRA: Dang kiem lam tien o 2 trung tam TP HCM-Hinh-2

Ảnh chụp lúc người tên Hưng của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-12D ở Bình Chánh lên ôtô dán tem và lấy tiền.

DIEU TRA: Dang kiem lam tien o 2 trung tam TP HCM-Hinh-3

Đăng kiểm viên tên Bình của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03S tại Hiệp Bình phước, quận Thủ Đức, nói: “Đâu phải thích là lấy được tiền của các ông?”, khi lên xe khách xử lý một trường hợp đăng kiểm.

Ông Bình sau đó lên xe kiểm tra và yêu cầu tài xế cài dây đeo hai bên dãy ghế và báo “bệnh”: “Xe thiếu vách ngăn đúng không?”. Tài xế đáp: “Dạ, xe em thiếu vách ngăn hầm và búa thoát hiểm, anh kiểm tra thắng luôn giúp em”.

Ông Bình nói: “Tất nhiên chúng tôi phải kiểm tra rồi, lấy tiền các ông đâu phải thích là lấy đâu, phải an toàn, lấy tám xị cơ mà”.

Tài xế thắc mắc: “Tám xị lận hả anh, để đâu anh?”. “Để trên xe đi!”.

Sau đó, tài xế H. móc bóp, đếm đủ 800.000 đồng rồi để trong hộc gần tay lái. Thấy tài xế H. đã đáp ứng yêu cầu, ông Bình liền kêu xuống đợi ở cuối dây chuyền.

Lúc này ông Bình bước lên xe, ngồi vào ghế lái và thò tay lấy tiền, xòe kiểm tra nhanh rồi bỏ vào túi quần. Sau đó, ông Bình lái xe tiến tới dây chuyền kiểm tra khí thải và cùng các đăng kiểm viên khác hoàn thành các công đoạn kiểm định.

Đến trưa cùng ngày, xe tài xế qua dây chuyền đăng kiểm thành công, sau đó được dán tem và ra sổ đăng kiểm có chữ ký của Giám đốc trung tâm Đỗ Văn Đông và con dấu.

Theo giới tài xế, xe đến đăng kiểm tại trung tâm này đều phải chung chi thêm tiền bồi dưỡng cho các đăng kiểm viên. “Xe tôi bốn chỗ, hai xị, còn chiếc “mec” (Mercedes) là phải ba xị, không đưa thì nó làm khó dễ thôi, đánh rớt cũng nên, ở đây thành quy luật rồi, người ta sao thì mình phải vậy thôi” - một tài xế đến đăng kiểm cho biết.

DIEU TRA: Dang kiem lam tien o 2 trung tam TP HCM-Hinh-4

Quy trình đăng kiểm.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, 2.296 vụ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép trong năm 2019 đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trong đó vi phạm về quá khổ, quá tải kiểm định xe 513 trường hợp và vi phạm về kích thước thùng hàng 83 trường hợp.

Theo Điều 17 Nghị định 139/2018/NĐ-CP thì đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ một tháng đến ba tháng trong các trường hợp sau:

1. Làm sai lệch kết quả kiểm định.

2. Không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

Tự chủ nguồn thu, ít kiểm soát nên dễ “làm liều”

Theo một chuyên gia về lĩnh vực đăng kiểm phía nam, việc mở các trung tâm đăng kiểm hiện nay không còn khó khăn như trước. Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã có hiệu lực, lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới không còn giới hạn số lượng trung tâm đăng kiểm và cắt giảm tối đa các điều kiện.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, hoạt động, kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo chuyên gia này, hiện các doanh nghiệp được tự chủ đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh và “lời ăn lỗ chịu” nên các trung tâm đăng kiểm mọc lên ngày càng nhiều mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các đơn vị liên quan.

Còn theo một cán bộ đăng kiểm, quy định về mức giá kiểm định trong lĩnh vực đăng kiểm là thống nhất trên toàn quốc nên nguồn thu của trung tâm đăng kiểm phụ thuộc vào số lượng xe đến đăng kiểm.

Từ thực trạng đó, các trung tâm đăng kiểm sẵn sàng “làm liều”, kiểm định dễ dãi hay tiêu cực để hút khách.

Theo một cán bộ đăng kiểm, để kiểm định các phương tiện xe cơ giới đúng quy trình và chất lượng an toàn, cần các công đoạn sau:

+ Tài xế nộp hồ sơ đăng kiểm, đóng phí đăng kiểm, phí đường bộ (tùy mỗi nơi đóng phí trước hoặc sau khi đăng kiểm xong).

+ Đưa xe vào dây chuyền kiểm định…

+ Đăng kiểm viên kiểm tra khí thải, tiếng ồn, còi...

+ Kiểm tra nhận dạng xe, số khung, số sườn của xe, đo kích thước chiều dài, chiều cao, vỏ…

+ Kiểm tra thắng, độ trượt ngang của bánh xe...

+ Kiểm tra vô lăng, bàn đạp thắng, càng lái, ly hợp, ghế, dây an toàn...

+ Kiểm tra hệ thống sàn, bệ, khung, xương, treo...

Hành vi tiếp tay tội ác

Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi nhận tiền của các đăng kiểm viên để bỏ qua các lỗi vi phạm của xe là hành vi nhận hối lộ. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được thì tùy thuộc vào số tiền, mức độ mà cơ quan chức năng có biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự.

Việc nhận tiền để cấp sổ đăng kiểm cho các xe không đạt yêu cầu kỹ thuật là hành vi vô cùng nguy hiểm, tiếp tay cho tội ác đáng bị lên án. Cơ quan chức năng cần xử lý, thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các trung tâm đăng kiểm.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua có nhiều vụ tai nạn thương tâm với lý do “mất thắng” trong khi xe vừa được cấp sổ đăng kiểm hoặc thời hạn đăng kiểm vẫn còn...

Nhiều người bị đình chỉ đăng kiểm viên

Tháng 9/2019, Cục Đăng kiểm VN đã ban hành quyết định xử lý kỷ luật, đình chỉ chức danh đăng kiểm viên trong thời hạn một tháng đối với 12 đăng kiểm viên ôtô do vi phạm quy trình, tiêu chuẩn kiểm định gồm: Nguyễn Văn Đô (Trung tâm Đăng kiểm 21-01S Yên Bái), Ma Công Thường (Trung tâm 22-01S Tuyên Quang), Nguyễn Văn Chiều (Trung tâm 24-01D Lào Cai), Triệu Tiến Vinh (Trung tâm 26-01D Sơn La), Trương Công Cử (Trung tâm 43-01S và Trung tâm 43-02S Đà Nẵng), Nguyễn Công Nội (Trung tâm 47-01D Đắk Lắk), Trần Quốc Mậu (Trung tâm 47-05D Đắk Lắk), Lê Thành Trí và Vũ Khắc Nước (Trung tâm 72-01S Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Quang Minh và Trần Văn Thông (Trung tâm 79-01S Khánh Hòa), Nguyễn Võ Tài (Trung tâm 93-02D Bình Phước).

Đồng thời, Cục Đăng kiểm VN không công nhận kết quả thực tập nghiệp vụ đăng kiểm xe cơ giới của sáu đăng kiểm viên thực tập thực hành trong tháng 6 và 7/2019 gồm: Bùi Văn Huệ (Trung tâm Đăng kiểm 19-02D Phú Thọ), Nguyễn Ngọc Lâm (Trung tâm 21-02D Yên Bái), Nguyễn Viết Dương (Trung tâm 28-01S Hòa Bình), Vũ Xuân Huân và Nguyễn Thanh Tùng (Trung tâm 81-03D Gia Lai), Phạm Việt Cường (Trung tâm 81-04D Gia Lai).

Cục Đăng kiểm VN còn tạm đình chỉ hoạt động một dây chuyền của Trung tâm Đăng kiểm 72-01S Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm Đăng kiểm 79-01S Khánh Hòa do có hai lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định trong 12 tháng liên tục.

Theo Pháp Luật TP HCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN