'Điểm' loạt tác hại không thể ngờ của việc nhịn ăn sáng đối với sức khỏe

Bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng trong ngày giúp cơ thể bổ sung năng lượng để khởi đầu ngày mới. Thế nhưng nhiều người trong số chúng ta thường xem nhẹ và có thói quen bỏ bữa sáng, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau một giấc ngủ dài từ 6-8 giờ, cơ thể có xu hướng mất nước và cần cung cấp dinh dưỡng. Bữa sáng với các món bổ dưỡng giúp cơ thể kịp thời bổ sung năng lượng và khởi đầu ngày mới năng động hơn.

Bỏ bữa ăn sáng sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.

Bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng ngay lập tức mà còn gây ra các bệnh nặng và lâu dài.

Dưới đây là một số tác hại đối với cơ thể nếu thường xuyên bỏ bữa sáng.

Lão hóa nhanh

Bỏ bữa ăn sáng khiến cơ thể buộc phải huy động lượng đường và protein được dự trữ sẵn để cung cấp cho hoạt động của cơ thể. Điều này khiến da bị khô, rám, không còn chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng xuất hiện nếp nhăn, thường gặp nhất là ở vùng mắt và mặt.

Gây suy giảm trí nhớ

Khi không ăn sáng, cơ thể thiếu hụt dưỡng chất, ảnh hưởng đến chức năng của não bộ và khiến cơ quan này hoạt động không hiệu quả. Lâu dần sẽ dẫn tới các vấn đề về nhận thức và trí nhớ.

Mất cân bằng dưỡng chất

Bữa ăn sáng cung cấp năng lượng cho nửa ngày hoạt động của bạn nên có vai trò quan trọng, nếu thiếu có thể làm cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, choáng váng,...

Ngoài ra, việc nhịn ăn sáng lâu dài sẽ làm hệ miễn dịch suy yếu hơn, khả năng bảo vệ cơ thể cũng giảm, bạn dễ bị bệnh hơn và các vấn đề sức khỏe, bệnh lý vốn có cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu cho thấy không ăn sáng làm tăng khả năng suy nhược cơ thể và thiếu chất, mất cân bằng chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Thiếu năng lượng, thiếu tỉnh táo

Bữa sáng giúp cơ thể bổ sung năng lượng để làm việc, học tập sau một giấc ngủ dài nên nếu bỏ ăn sáng, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, trì trệ, thiếu năng lượng trong công việc.

Không chỉ vậy, trẻ em và trẻ vị thành niên cần ăn sáng để tăng cường năng lượng, thúc đẩy quá trình phát triển thể chất của bé. Ở giai đoạn này, nếu duy trì thói quen nhịn ăn sáng có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất, tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ,…

Gây hại cho tim mạch

Việc thường xuyên bỏ bữa sáng có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe tim mạch. Một số người cho rằng bỏ bữa sáng giúp giảm cân, tuy nhiên, quan niệm sai lầm này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những người bỏ bữa sáng có nguy cơ bị tăng huyết áp, tăng mức đường trong máu và cholesterol cao hơn. Những yếu tố này có thể dẫn tới các vấn đề về tim mạch, như bệnh tim và đột quỵ.

Nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Ảnh Internet

Gây sỏi mật

Nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Để tình trạng này kéo dài, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.

Gây viêm loét dạ dày

Dạ dày luôn luôn co bóp, tiết ra dịch vị nhưng không có gì để tiêu hóa, lâu ngày sẽ dẫn đến bị viêm loét dạ dày. Không ăn sáng dẫn đến ruột rỗng, nhu động giảm, chất cặn trong ruột của ngày hôm trước không được đào thải ra ngoài, lâu dần sẽ kết lại thành sỏi.

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể sau thời gian nghỉ dài từ 6 - 8 giờ (có khi lâu hơn). Do đó, bỏ bữa sáng có thể làm tăng thời gian không được cung cấp thức ăn khiến cơ thể thiếu hụt thức ăn và dinh dưỡng cần thiết. Bữa sáng nên bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ và protein. Điều quan trọng là bạn nên ăn sáng, dù chỉ ăn một ít nhưng cũng cần thiết.

Giang Thu (T/H)