Dịch bùng 2 năm, Bộ GD&ĐT dường như vẫn chậm trễ và lúng túng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, Bộ GD&ĐT có nhiều biểu hiện của sự lúng túng, chậm trễ trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chưa có đánh giá về dạy học trực tuyến

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều ngày 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đã có những góp ý về lĩnh vực giáo dục đào tạo.

dai-bieu-nguyen-thi-kim-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 8/11. Ảnh: Diên Hồng.

Đại biểu Thúy chia sẻ, bà chuyển đến diễn đàn Quốc hội ý kiến của cử tri, cảm ơn và biểu dương các thầy cô trong cả nước đã và đang vượt mọi khó khăn, tích cực thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch. Cử tri cũng hoan nghênh các cháu học sinh đã và đang khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn về phương tiện học trực tuyến để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Tuy nhiên, cùng với đó, đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng, về phía các nhà quản lý giáo dục, lại có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gần 2 năm nay, nhưng Bộ GD&ĐT dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.

Cụ thể, đến ngày 4/8/2021 khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành kèm theo Quyết định số 2551 của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Mãi gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.

Trong gần 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương... Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm”, đại biểu Thúy nhấn mạnh.

Nhiều bất cập về sách giáo khoa

Một vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề cập trong bài phát biểu của mình, đó là việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu cho biết, bà chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn lớn mà đại dịch gây ra khi vừa bắt đầu thực hiện chương trình mới.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn nhận xét là Bộ GD&ĐT, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục về sách giáo khoa.

Điều đó thể hiện qua việc, theo các nghị quyết và Luật Giáo dục, nếu điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông được định hướng là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học thì điểm mới nhất trong lĩnh vực sách giáo khoa được Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tuy nhiên, vào đầu năm học mới vừa qua, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa, khoa học tự nhiên, ngữ văn và tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo chí cũng đã phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học.

Dư luận còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa mà bắt nguồn từ Thông tư số 25 năm 2020 của Bộ GD&ĐT. Nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về thông tư này trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.

Nếu việc lựa chọn sử dụng sách tiếp tục diễn ra như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp trực thuộc Bộ đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

“Để thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Thông tư 25, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa và điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện”, bà Thúy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trước kỳ họp, bà đã nhận được đơn kiến nghị tố cáo kèm theo tài liệu có liên quan. Bà sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Mai Loan