Đi khám vì vàng da sơ sinh, không ngờ phát hiện hẹp phì đại môn vị

Bệnh hẹp phì đại môn vị hay gặp ở trẻ còn bú, do cơ môn vị của dạ dày phì đại dẫn đến cản trở lưu thông của thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng, gây nôn, mất nước, suy kiệt và tử vong nếu không được phẫu thuật.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã phẫu thuật thành công một trường hợp hẹp phì đại môn vị vô tình đến khám vì nguyên nhân khác.

Theo đó, bệnh nhi nam 1 tháng tuổi, đến khám vì vàng da sơ sinh. Qua thăm khám và làm xét nghiệm máu, bác sĩ nhận thấy tình trạng vàng da của trẻ là sinh lý và không cần điều trị. Nhưng qua hỏi bệnh, được biết trẻ sau sinh ăn uống bình thường nhưng mới xuất hiện nôn 1 tuần nay, và bị sút 0.5kg. Khám bụng bệnh nhi, bác sĩ sờ thấy một khối tròn nhẵn đường kính 3cm vùng hạ sườn phải, di động. Nghi ngờ bệnh nhi bị hẹp phì đại môn vị, trẻ được chỉ định làm siêu âm ổ bụng.

Kết quả siêu âm của bệnh nhi cho thấy hình ảnh cơ môn vị phì đại. Ảnh BVCC

Bệnh nhi được hội chẩn chuyên môn với các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp, được chẩn đoán xác định bệnh hẹp phì đại môn vị và chỉ định mổ ngay trong ngày. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi mở cơ môn vị.

Ngay ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhi đã bú được sữa, không nôn. Sau một tuần điều trị, bệnh nhi đã lên cân trở lại và được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình.

Triệu chứng và dấu hiệu của hẹp môn vị phì đại

Các triệu chứng của hẹp phì đại môn vị thường xảy ra trong khoảng từ 3 - 6 tuần tuổi. Nôn dữ dội, thường được mô tả là nôn "vọt" (không có mật), xảy ra ngay sau khi ăn. Cho đến khi mất nước, trẻ thèm ăn và phát triển tốt, không giống nhiều trường hợp nôn do bệnh lý toàn thân.

Các sóng nhu động dạ dày có thể nhìn thấy, qua vùng thượng vị từ trái sang phải. Đôi khi có thể sờ thấy một khối riêng biệt, kích thước từ 2 đến 3 cm, chắc, di động và như quả oliu nằm sâu ở bên phải vùng thượng vị.

Khi bệnh tiến triển, trẻ không tăng cân, suy dinh dưỡng và mất nước kèm theo các bất thường về điện giải và axit-bazơ.

Giang Thu