Mỗi sản phụ sau sinh đều được đến thăm 4-5 lần
Sản phụ Bùi Thị Minh, 26 tuổi, xóm Ba Khoang, xã Quyết Thắng cho biết, lần mang thai đầu tiên chị chỉ đi đến phòng khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nên không có nhiều kiến thức về mang thai và nuôi con.
Sau sinh con, tôi được cán bộ y tế xã tới nhà thăm và tư vấn cách theo dõi sức khỏe sau sinh, cho con bú trong 6 tháng đầu, không phải ăn kiêng khem bằng muối và hạt dổi hoặc thịt rang khô, chế độ ăn cho bé ở từng giai đoạn...nhờ đó, tôi và con 3 tuổi đều khỏe mạnh.
|
Cán bộ y tế xã Quyết Thắng đo huyết áp cho thai phụ |
Tôi thấy các buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe khi mang thai, sau đẻ và cách chăm sóc con của các chị đến phổ biến tại thôn xóm và nhà dân rất cần thiết nên ngay khi có thai lần lần 2 tôi đã đến trạm y tế xã khám và ngay từ đầu nên đã được tư vấn đầy đủ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, sử dụng thuốc, theo dõi sức khỏe mẹ và bé....nên cả tôi và em bé tăng cân đều, khỏe mạnh hơn.
BS Bùi Văn Cón, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Quyết Thắng cho biết, Quyết Thắng là 1 trong những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, có những hộ dân nằm cách xa trung tâm của xã, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nên một số hộ khó tiếp cận được với mạng xã hội, nên công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn, cán bộ Trạm phải đến trực tiếp từng hộ gia đình hoặc nhóm gia đình.
|
Theo dõi và quản lý thai sản tại Trạm Y tế xã Quyết Thắng |
Hiện Trạm có 15 cán bộ y tế trên tổng số hơn 13.800 nhân khẩu, trong đó 97% là người dân tộc Mường. Trong những năm gần đây, cán bộ Trạm luôn luân phiên trực 24/24h nhằm đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hàng tuần, hàng tháng Trạm đều cử cán bộ trực tiếp xuống các xóm tuyên truyền về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Trạm phối kết hợp với y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, các trường học trên địa bàn xã, ban đại diện các xóm, tuyên truyền dưới mọi hình thức để mỗi người dân đều được tiếp cận với những dịch vụ sẵn có ở địa phương...
Trạm Y tế kết hợp với các cộng tác viên Dân số, nhân viên Y tế thôn bản, các ban ngành, đoàn thể, triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và gia đình; khuyến khích phụ nữ đi khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ; hỗ trợ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện; theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong vòng 42 ngày sau sinh; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình… Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được cải thiện đáng kể.
Y tá Nguyễn Thị Liên cho biết, bà mẹ sau sinh ít nhất được cô đỡ và nhân viên y tế đến nhà 4-5 lần để hướng dẫn chăm sóc sau sinh phòng ngừa sản hậu và cách chăm trẻ trong vòng 1000 ngày đầu đời.
Để bà con và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu và làm theo chúng tôi không chỉ tổ chức tuyên truyền, tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí mà còn tổ chức các cuộc thi, trò chơi, giao lưu văn nghệ với chủ đề làm mẹ an toàn, tạo nhóm zalo các bà mẹ có thai và bà mẹ có con trong 1000 ngày đầu đời...nhằm nâng cao nhận thức, tạo không khí vui tươi, thoải mái cho phụ nữ, gia đình... đồng thời kịp can thiệp khi bà mẹ và trẻ nhỏ có dấu hiệu bất thường.
|
Không có tờ rơi, tài liệu tuyên truyền cán bộ y tế xã đã tự làm |
Không dễ thay đổi được những tư tưởng lạc hậu
Điều dưỡng hạng III Bùi Thị Thiết cho biết, Quyết Thắng thuộc xã 135 khó khăn chủ yếu là người dân tộc Mường nên thói quen, phong tục tập quán đã ăn sâu, bám rễ trong người dân, họ rất khó thay đổi. Trước đây, sản phụ sau sinh nhiều gia đình không cho sản phụ vệ sinh thân thể và phải hơ than nóng, ăn cơm với muối hạt dổi và thịt rang cháy; Trẻ nhỏ mới 2 – 3 tháng khóc họ cho rằng trẻ bú mẹ không đủ, đói khóc nên bắt cho trẻ ăn bột; Trẻ ốm, sản phụ khó sinh... trước khi cho đi bệnh viện chữa trị thì họ lại đi xin nước của thầy lang về cho uống....
Có những gia đình cách trung tâm xã 10 – 20 km, nhiều đoạn đường phải đi bộ 4 – 5 km tới nhà sản phụ nhưng người nhà “kiêng cữ” không cho chúng tôi vào; Hay nhiều bà mẹ phải ăn kham khổ cũng không dám nói ra...Chúng tôi cũng không dám tư vấn trực tiếp cho sản phụ phải ăn cái nọ, hoặc cái kia cho đủ dinh dưỡng... mà phải dựa vào thực lực kinh tế của gia đình họ để hướng dẫn họ ăn sao cho đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản...,
Vì vậy, chúng tôi mỗi người phụ trách 1 -2 xóm luôn không kể ngày đêm, đường xá, không có tranh ảnh và tờ rơi để tuyên truyền... chúng tôi trực tiếp, viết, vẽ lên giấy để mang đến hướng dẫn cho đồng bào. Sản phụ sinh xong về nhà chúng tôi sẽ đến xem bà mẹ và em bé có ổn không, tư vấn cách chăm sóc mẹ và bé trong những tháng đầu đời để trẻ phát triển tốt...
BS Bùi Văn Cón cho biết, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Một số phụ nữ mang thai vẫn chưa có ý thức đi khám thai định kỳ và đúng lịch; giao thông đi lại còn khó khăn, thuốc cũng như trang thiết bị y tế còn thiếu; một số gia đình vẫn có quan niệm lạc hậu, không quan tâm đến sức khỏe của mẹ và bé, cho ăn theo phong tục địa phương, kiêng khem quá mức, hoặc cho ăn theo sở thích của trẻ. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp thích hợp để khắc phục.
Tuy nhiên, nhờ được quan tâm và thực hiện đầy đủ nên trong nhiều năm qua Quyết Thắng không có tử vong mẹ, tỷ lệ suy dinh dưỡng năm sau giảm hơn năm trước, tỷ lệ tiêm phòng uốn ván đạt 100%.
Trạm Y tế đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhằm góp phần giảm tỷ lệ dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em, giúp trẻ phát triển đồng đều cả về trí tuệ lẫn thể chất.
|
Tài liệu truyền thông rất ấn tượng tại Trạm Y tế xã Quyết Thắng
|
Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám tại Trạm y tế xã Quyết Thắng là: 2.933 lượt, trong đó, khám bảo hiểm y tế: 2.933 lượt người.
Về Chương trình tiêm chủng mở rộng, Trạm đã tiêm chủng đầy đủ cho trẻ < 1 tuổi: 87/130 trẻ đạt 66,9%; Tiêm tiêm Sởi-Rubela 18 tháng: 118/141trẻ đạt 83,6%;Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai: AT2+: 71/95chịđạt 74,7%; Tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 2,3 cho trẻ từ 1-5 tuổi: 193/265trẻ đạt 72,8%...
Đặc biệt về Chương trình dinh dưỡng và bảo vệ bà mẹ trẻ em, trong 9 tháng đầu năm, Trạm đã quản lý 146 phụ nữ có thai và đã có 116 phụ nữ đã sinh con và 100% phụ nữ có thai khám thai đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 2-5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể chỉ còn 20/203 trẻ.
|
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niện với cán bộ y tế xã và bà mẹ mang thai |
Trực tiếp được lắng nghe và thấy các cán bộ Y tế của Trạm Y tế xã Quyết Thắng khám sức khoẻ, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại Trạm, Ông Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương cho biết:
“Qua những thông tin chia sẻ của cán bộ y tế Trạm cũng như trực tiếp được nghe, được nhìn thấy cán bộ y tế Trạm tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng cho những phụ nữ đang mang thai trong xã nhân hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 thì tôi nhận thấy, công tác truyền thông nơi đây đã có sự đổi mới, sáng tạo và rất ấn tượng.
Đặc biệt, cán bộ Y tế đã được nâng cao trình độ chuyên môn; nhiều tài liệu truyền thông như tờ rơi, tranh gấp, áp phích… được làm rất dễ hiểu, dễ nhớ và sáng tạo được người dân hào hứng đón nhận. Đó là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ làm công tác truyền thông y tế nơi đây.
Vì vậy rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, Bộ Y tế để nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ y tế; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông nhằm nâng cao sức khoẻ toàn diện cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là sức khoẻ của phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để như mong muốn và niềm tin của ngành Y tế hướng tới, tất cả mỗi tuần đều là “Tuần lễ làm mẹ an toàn”.