Đề xuất coi cấp chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như 1 dịch vụ công trực tuyến

Bộ TT&TT mới đây đã đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là 1 dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước đang tăng nhanh, đặc biệt là tại Hà Nội với số ca F0 ghi nhận được hàng ngày đã vượt ngưỡng 25.000 ca. Việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh một mặt giúp người lao động được hưởng các chế độ và quyền lợi theo quy định, đồng thời cũng sẽ giúp các cơ quan y tế thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê số lượng ca nhiễm một cách chính xác; từ đó phục vụ việc phân tích, dự báo xu hướng dịch bệnh.

Ngày 11/3 vừa qua, TP.HCM đã quyết định triển khai các giải pháp giảm tải thủ tục hành chính cho người F0 tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Theo đó, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trung tâm y tế, trạm y tế khẩn trương triển khai chuyển đổi số trong công tác xác nhận F0 và các thủ tục xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.

Cụ thể, các nơi như bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế... trên địa bàn TP.HCM khi phát hiện người mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà, thì hướng dẫn người mắc Covid-19 truy cập vào địa chỉ khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet để “khai báo F0”. Thông tin sau khi khai báo sẽ được hệ thống ghi nhận và gửi về Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) nơi người mắc Covid-19 cách ly.

Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các trạm y tế cấp xã phân công nhân sự trực điện thoại để nhận tin nhắn SMS thông báo kết quả xét nghiệm âm tính do F0 tự khai báo khi kết thúc thời gian cách ly; đăng nhập vào Nền tảng quản lý Covid-19 để xác nhận hoàn tất thời gian cách ly, ký và cấp giấy xác nhận cho F0 bằng bản điện tử qua email hoặc bản giấy; hạn chế việc F0 hoặc người nhà tập trung tại Trạm y tế để chờ nhận giấy xác nhận.

Cũng để tạo thuận tiện cho người dân, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội và Sở TT&TT thành phố đang xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật câos chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cho người lao động khi bị nhiễm Covid-19. Phần mềm này được xử lý hoàn toàn tự động, nhanh chóng, thuận tiện và hiện đang chờ chạy demo và thử nghiệm.

De xuat coi cap chung nhan F0 va F0 khoi benh nhu 1 dich vu cong truc tuyen

Theo Bộ TT&TT, Bộ Y tế cần hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh Covid-19 (Ảnh minh họa: moh.gov.vn)

Đề cập đến vấn đề cấp chứng nhận người nhiễm Covid-19 và người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ TT&TT nhận định: Việc nhiều người nhiễm Covid-19 (F0) thực hiện tự điều trị tại nhà đã phần nào giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế ở khía cạnh điều trị, nhưng lại đang tạo ra một áp lực khác, đó là chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh.

Số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, khiến nhiều cơ sở y tế xảy ra hiện tượng quá tải, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Điều này khiến một bộ phận người dân sau khi phát hiện nhiễm Covid-19 qua tự xét nghiệm nhanh đã cách ly tại nhà mà không khai báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh Covid-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng. Thời gian vừa qua, một số địa phương đã chủ động áp dụng và bước đầu đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, về quy trình thủ tục chứng nhận F0 cho người dân, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu và đề xuất phương án hiệu quả, đồng thời hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong giai đoạn mới.

Trao đổi với ICTnews, đại diện Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết đề xuất nêu trên của Bộ TT&TT đang được cơ quan này nghiên cứu.

Liên quan đến việc ứng dụng, cung cấp dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức ứng dụng CNTT y tế trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế, đồng thời giúp công khai, minh bạch, hiện đại hóa các hoạt động của Bộ Y tế trên môi trường mạng, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.

Kết quả đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã công bố 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao 5 năm. Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế được khai trương từ tháng 11/2019, hiện 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế, trong đó có 107 thủ tục hành chính được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Vân Anh//Ictnews

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN