Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 gửi Quốc hội.
Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Nhưng trên nhiều lĩnh vực, tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
“Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; đồng thời phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19”, Chính phủ nhận định.
Đáng lưu ý, công tác phòng, chống tham nhũng cũng gắn với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự.
Về giải pháp phòng ngừa, Chính phủ cho biết, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực.
Trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (tăng 175% so với năm 2020).
Qua kiểm tra tại 6.890 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, giảm 7,3% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách”, Chính phủ khẳng định.
Nhằm phòng ngừa tham nhũng, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Chính phủ thông tin, các Cơ quan điều tra trong Công an đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước); đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý trên 800 tỷ đồng; 398.643,83 m2 đất.
Bên cạnh đó, Viện KSND các cấp đã thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ/1100 bị can; đã giải quyết 330 vụ/989 bị can.
TAND các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng…
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 22 bị cáo. Tuy vậy, việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.
Báo cáo cho thấy, số việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế phải thi hành là 4.799 việc; số có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.
“Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng; còn có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…