Đề phòng dịch chồng dịch, TP HCM kiểm soát chặt biến động dân cư

UBND TP HCM vừa thành lập 19 đoàn kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thời gian kiểm tra từ ngày 25 đến 30/11.

Nới lỏng, khôi phục sản xuất

Theo UBND TP HCM, thời gian gần đây số ca mắc mới ở TP có xu hướng tăng, nhất là tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

De phong dich chong dich, TP HCM kiem soat chat bien dong dan cu

Lấy mẫu xét nghiệm cho shipper tại TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước tình hình trên, UBND TP HCM giao TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và Quyết định 3900 của UBND TP HCM, bảo đảm thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không cục bộ, "cát cứ" hoặc ban hành quy định vượt quá mức cần thiết. Các địa phương phải xem thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1.

UBND TP HCM yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng trong phòng chống dịch; rà soát, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, nhất là mũi 2, tiêm lưu động, tiếp cận đối tượng có nguy cơ cao; bảo đảm thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng cách ly trên phạm vi hẹp nhất có thể. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, đủ điều kiện.

UBND TP HCM cũng yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp như người lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc...

Sở Y tế có trách nhiệm giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng (SVP), giám sát trọng điểm Covid-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), sớm phát hiện trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng. Sẵn sàng thiết lập trạm y tế lưu động ở phường, xã, bổ sung nhân lực cho trạm y tế phường có ca mắc tăng cao...

Đề phòng "dịch chồng dịch"

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022 để tránh "dịch chồng dịch". Theo đó, Bộ Y tế lưu ý các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Đối với các bệnh dịch có vắc-xin phòng bệnh như sởi, Rubella, ho gà, khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Ngày 24-11, TP Hà Nội ghi nhận 285 ca mắc Covid-19 mới. Những ngày gần đây, số ca mắc trong cộng đồng ở Hà Nội tăng cao, với 159 ca trong ngày, đây là số ca trong cộng đồng cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận ở Hà Nội. TP Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi theo kế hoạch tại 26 quận, huyện, thị xã; kết quả thực hiện tiêm được 99.639 mũi cho học sinh lớp 10, 11, 12.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong 2 ngày 23 và 24-11, học sinh lớp 9 của 7 huyện, thị xã gồm: Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) đã trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, đến thời điểm này, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội đã đến trường học trực tiếp.

Bộ Y tế cho biết ngày 24-11, nước ta ghi nhận 11.811 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó 6.578 ca ở cộng đồng.

2 người tử vong sau khi tiêm mũi 2 vắc-xin

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết vào ngày 23-11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tổ chức tiêm vắc-xin Vero Cell mũi 2 tại Công ty TNHH Giày Kim Việt (thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống) cho công nhân. Tất cả những người đăng ký tiêm chủng đều được cán bộ y tế khám sàng lọc đầy đủ, tư vấn về loại vắc-xin và các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm theo đúng quy định.

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm. Trong đó có 5 trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ sau tiêm. Ngay sau đó, cả 5 người được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng và diễn biến quá nhanh sau phản vệ nên có 2 trường hợp đã tử vong vào lúc 0 giờ 45 phút và 8 giờ 45 phút ngày 24-11. 

Theo NLĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN