Đề nghị số điện thoại đẹp, biển số đẹp là tài sản công

Một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ... vào nội dung phân loại tài sản công.
Đề nghị bổ sung điện thoại đẹp, biển số xe đẹp… phân loại tài sản công
Sáng 29/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4.
“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của Dự thảo luật là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển... đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài nguyên. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 Điều 14 của Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3”, ông Nguyễn Đức Hải trình bày.
Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các tài sản này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng.
De nghi so dien thoai dep, bien so dep la tai san cong
 Quốc hội khóa XIV. Ảnh quochoi.vn
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 11 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ”.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm cơ quan cấp trên cung cấp hoặc điều chuyển những tài sản quá tiêu chuẩn, định mức hoặc không phù hợp với nhu cầu cho cơ quan cấp dưới và bổ sung quy định cấp dưới có quyền từ chối nhận tài sản do cơ quan quản lý cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải cho hay: “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 11 về các hành vi bị cấm như sau: “Cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công”. Đối với việc bổ sung quy định cấp dưới có quyền từ chối tiếp nhận tài sản cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đã được thể hiện tại nội dung quy định về hành vi bị cấm đối với cơ quan cấp trên. Do đó, không cần thiết phải bổ sung nội dung này trong Dự thảo luật”.
Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát của công chức, viên chức đối với tài sản thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công phải chịu sự giám sát của cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Nội dung này được thể hiện tại điểm e khoản 2 Điều 24 của Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3”.
Cần quy định cụ thể cơ chế áp dụng khoán xe công
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính quy định và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ô tô của UBTVQH đối với các ĐBQH chuyên trách.
UBTVQH xin giải trình, tiếp thu như sau: Việc thí điểm và áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ. Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định đối tượng, phương pháp xác định mức khoán và không bổ sung thẩm quyền của UBTVQH trong việc khoán kinh phí xe ô tô đối với các ĐBQH chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
De nghi so dien thoai dep, bien so dep la tai san cong-Hinh-2
 Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Ảnh Tiền Phong.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, chế độ tài chính, nghĩa vụ đối với nhà nước, thẩm quyền cho phép và quy định cụ thể tài sản công được phép khai thác để tránh tạo kẽ hở trong việc lợi dụng chính sách; đề nghị không quy định việc cho thuê, liên doanh, liên kết đối với tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Một số ý kiến cho rằng, việc cho phép khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng tại các đơn vị sự nghiệp sẽ dẫn tới việc tiếp tục đầu tư lãng phí, dư thừa công năng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay: “Đối với cơ quan nhà nước: để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cơ quan có tài sản cho sử dụng chung chỉ được thu một khoản kinh phí để bù đắp các chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản trong thời gian sử dụng theo quy định của Chính phủ và bổ sung quy định về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác các tài sản là nhà ở công vụ và quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu vào Dự thảo luật. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 và khoản 5 Điều 35 của Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và các đơn vị sự nghiệp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định tại Điều 54 của Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí đối với tài sản thuộc các đơn vị sự nghiệp quản lý trong việc cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đối với việc khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng: Để bảo đảm chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản từ nguồn vốn NSNN dẫn đến lại dư thừa công năng, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung và sửa lại các quy định tại điểm a khoản 1 của các Điều 55, 56 và 57, theo đó đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết trong trường hợp: “Tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế. Tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế được Thủ tướng Chính phủ quyết định”; bổ sung vào khoản 3 Điều 50 về đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp nội dung: “Không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết”.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập được phép huy động vốn, vì sẽ xảy ra trường hợp không đủ khả năng chi trả vốn vay, ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao cho các các đơn vị sự nghiệp công lập và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Nhà nước có thể phải chi trả thay cho đơn vị, tạo gánh nặng cho NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “UBTVQH xin giải trình, tiếp thu như sau: Luật quản lý, sử dụng tài sản công chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, riêng về cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được quy định ở các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, việc vay vốn của các tổ chức, cá nhân sẽ được điều chỉnh bởi Luật tổ chức tín dụng, Bộ luật dân sự và các quy định khác của Ngân hàng nhà nước. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bỏ nội dung cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được phép huy động vốn tại Điều 57 (Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2); bổ sung vào khoản 5 Điều 53 quy định về đơn vị sự nghiệp công lập không được sử dụng tài sản công có nguồn gốc từ NSNN và quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn, huy động vốn và bổ sung điểm c khoản 1 Điều 49 quy định : “Việc vay vốn, huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan và phải có phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN