Đề án thu phí ô tô vào nội đô: Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói gì?

Ngày 30/10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô.
 
Đưa ra cơ sở để triển khai lập “Đề án Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô) thực hiện từ năm 2024, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, phương án thu phí vào nội đô là 1 trong 37 giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có cả hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển vận tải công cộng đã được nêu trong đề án “Quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” được HĐND thành phố phê duyệt năm 2017.
Do vậy, với nội dung hạn chế phương tiện ô tô đi vào nội đô, trong thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã giao cho các đơn vị có liên quan phối hợp với Tư vấn để xây dựng thành đề án với tên gọi: “Đề án Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí phương tiện vào nội đô).
Cơ sở pháp lý để Sở GTVT Hà Nội tổ chức đề án thu phí phương tiện vào nội đô gồm có 3 nội dung cơ bản, thứ nhất là Nghị quyết 04 của HĐND thành phố thông qua đề án Quản lý phương tiện giao thông. Thứ hai, Chính phủ đã có Văn bản số 10040/VPCP, chấp thuận chủ trương cho thành phố Hà Nội được xây dựng đề án thu phí vào nội đô và yêu cầu các bộ ngành liên quan hướng dẫn thực hiện. Thứ ba, Nghị Quyết số 115/2020 của Quốc hội trong đó có nội dung cho phép HĐND thành phố Hà Nội ban hành một số loại phí, lệ phí chưa có trong luật, nghị định.
Đây là các cơ sở pháp lý cao nhất để Sở GTVT Hà Nội bắt đầu triển khai các bước của Đề án thu phí phương tiện vào nội đô.
Thưa ông, nội đô Hà Nội trong vài năm tới sẽ còn mở rộng địa bàn các huyện, tuy nhiên phạm vi và ranh giới thu phí hiện nay lại chỉ được xác định ở đường Vành đai 3, như vậy liệu có phù hợp?
Sở dĩ Tư vấn lựa chọn Vành đai 3 vì các lý do, như: khu vực đường Vành đai 3 và từ đường Vành đai 3 trở vào đang xảy ra ùn tắc và nguy cơ ùn tắc cao nhất nên cần có giải pháp cho việc này. Tiếp đến do được khép kín nên hiện ngoài xe trong thành phố, lưu lượng xe đi các từ các tỉnh quá cảnh qua Hà Nội cũng đang chọn Vành đai 3 để lưu thông, lưu lượng xe đang vượt gấp nhiều lần thiết kế của tuyến đường, do vậy cùng với việc thu phí vào nội đô, khi triển khai đề án Sở GTVT sẽ có phương án phân luồng phù hợp, từ xa để xe quá cảnh qua Hà Nội không đi vào đường Vành đai 3 hoặc chỉ đi ở đường trên cao (không mất phí), giảm lưu lượng phương tiện đi vào các tuyến đường đô thị, giảm ùn tắc cho nội thành.
Chưa tính đến mức phí thu bao nhiêu
Thưa ông, sau khi đưa ra danh sách các trạm thu phí vào nội đô, Tư vấn có đưa ra mức phí cho từng lượt xe qua trạm, cơ sở nào để Tư vấn đưa ra mức phí này?
Trước hết tôi xin khẳng định, tất cả các trạm thu phí được khảo sát và lập đơn vị thực hiện sẽ không dùng tiền ngân sách để đầu tư mà thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Cụ thể, đơn vị thực hiện kêu gọi nhà đầu tư vào lập trạm, sau đó được hoàn vốn thông qua thu phí trong từng năm.
Hiện khung mức giá chưa được trình HĐND thành phố phê duyệt nên chưa thể đưa ra mức giá thu phí theo lượt xe là bao nhiêu. Việc Tư vấn đưa ra thu từ 25.000 đến 60.000 lượt xe đó là tạm tính và phương án được Sở GTVT chấp thuận. Phương án thu bao nhiêu chỉ được đưa ra sau khi HĐND thành phố phê duyệt mức khung giá chính thức. Từ đây Sở GTVT mới có cơ sở yêu cầu các đơn vị có liên quan xây dựng dự án đầu tư trong đó có tổng mức đầu tư cho các trạm thu phí, phương án tài chính và giá vé chính thức cho từng loại xe.
Hiện Sở GTVT đang yêu cầu các đơn vị có liên quan lập khung giá thu phí để trình HĐND trong kỳ họp cuối năm nay để HĐND thành phố xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên mức phí này cũng phải dựa trên lưu lượng xe ra vào khu vực nội đô, khả năng chi trả của người dân, chủ phương tiện.
Ông có đánh giá thế nào về tính hiệu quả khi Hà Nội thực hiện Đề án thu phí phương tiện vào nội đô?
Theo khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Vì khi khu vực Vành đai 3 lập các trạm thu phí, thay vì đi vào nội thành họ sẽ chọn các đường khác để đi.
Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm thành phố giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp. Cùng với đó, với các xe cá nhân, khi thành phố thu phí vào nội đô, lập tức mỗi người dân sẽ cân nhắc việc đi xe riêng hay chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng. Mục đích của việc thu phí vào nội đô không phải là thu tiền cho ngân sách mà là nhằm thay đổi hành vi đi lại của nhiều người.
Lộ trình đề án sẽ được triển khai ra sao thưa ông?
Theo kế hoạch dịp cuối năm nay, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố khung giá phí, phạm vi triển khai để HĐND cho ý kiến, thông qua. Sau khi khung giá phí, phạm vi được HĐND thành phố thông qua, Sở GTVT sẽ có cơ sở để xây dựng phương án đầu tư, phương án tài chính cho hệ thống trạm thu phí.
Tiếp đến từ năm 2022 đến 2023, là xây dựng phương án tổ chức, đưa ra mức phí xe vào nội đô cụ thể để trình HĐND thành phố phê duyệt triển khai; bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan trong đó có chế tài xe nộp phí và xe không nộp phí khi đi qua trạm. Từ năm 2024 hoàn thiện các trạm thu phí và tiến hành thu phí xe vào nội đô theo giai đoạn 1 của đề án.
Do công nghệ thu phí là không xây dựng trạm và xe đi qua điểm thu phí cũng không phải dừng nên việc thu phí không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Cùng với đó, đến quý 3/2022, Chính phủ có yêu cầu 90% phương tiện ô tô phải dán thẻ thu phí không dừng thì việc Đề án thu phí phương tiện vào nội đô có lộ trình thực hiện vào năm 2024 là hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý, đủ điều kiện triển khai.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN