|
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng "phí chia tay" không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng.
|
Ngày 13/6, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trao đổi với báo chí về lý do đưa ra đề xuất thu "phí chia tay" đối với công dân xuất cảnh ra nước ngoài khi thảo luận Luật Xuất nhập cảnh vào chiều 12/6.
“Thực sự cái này trong mong muốn chính của tôi là Luật không chỉ quy định về xuất nhập cảnh của công dân qua biên giới mà còn phải nói rõ hơn những trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của các cơ quan liên quan khi người Việt Nam ra nước ngoài cũng phải có sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.
Mặt khác, hiện nay nhiều nước cũng phải huy động nguồn lực xã hội hoá để cho vấn đề quảng bá, xúc tiến, giới thiệu văn hoá con người đối với nước ngoài. Trong khi đó, nguồn lực của Việt Nam rất ít, hiện nay nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất từ việc huy động công dân đóng góp một khoản “phí chia tay" cũng là nhằm để giúp cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài. Rất nhiều trường hợp công dân khi ra nước ngoài vì lý do này hay lý do khác không nằm trong phạm vi bảo hiểm xã hội thì cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng không có khả năng nguồn lực để hỗ trợ”, ông Hưng dẫn giải.
Một lần nữa nhắc lại mong muốn đưa quy định thu “phí chia tay” vào luật, ông Hưng cho chia sẻ: “Đây cũng là sự đóng góp để chung tay quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Khi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được nâng lên thì công dân chúng ta đi ra nước ngoài cũng sẽ được người nước ngoài tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn để việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn. Thực ra đây là một khoản theo tôi nghĩ không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng thôi".
Trước câu hỏi liệu thu loại phí này có cơ sở pháp lý hay không, vị ĐB Hà Nội cho biết: "Đó là mong muốn của chúng tôi và đề xuất và ý tưởng như thế còn câu từ, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu làm sao cho thuận tiện nhất. Hướng tới là làm sao công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh được thuận lợi khi ra nước ngoài được bảo vệ".
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 12/6, ông Hưng dẫn ra một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân. Qua đây ông Hưng đề xuất Việt Nam nên học tập và “thu phí chia tay”: “Khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, ta dùng số tiền này khoảng 3 - 5 đô la/người khi xuất cảnh”.