Đẩy mạnh kiểm soát thuế
Từ đó, kịp thời phát hiện các cá nhân, đơn vị mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế hoặc kê khai gian dối, có sự chênh lệch...
“Việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên địa bàn cả nước, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng. Đặc biệt, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng” ông Nguyễn Đức Lê Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho hay.
Không chỉ tiến hành ra soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng, bạc, đá quý tại nhiều địa phương, và có thể mở rộng ra phạm vị cả nước thì vấn đề tính thuế đối với mặt hàng đặc biệt này cũng đã được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung, sửa đổi tại dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, dự thảo mới đề xuất: số thuế VAT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên VAT bằng VAT nhân với thuế suất thuế VAT áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. VAT của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
Hiểu một cách đơn giản hơn, thì thuế giá trị gia tăng (VAT) = Giá trị tăng thêm (giá bán - giá mua vào) x Thuế suất.
Phương pháp tính mới dễ gây thất thu?
Tránh gian dối thuế, nhiều địa phương ý kiến nên tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với doanh nghiệp có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý do khó kiểm soát giá, dẫn đến thất thu ngân sách.
Cụ thể, theo đề xuất của tỉnh Quảng Nam, hiện nay mặt hàng vàng, bạc, đá quý là loại hàng hóa đặc biệt vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán; rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào.
Hơn nữa, giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
TP Cần Thơ kiến nghị nên quy định tính thuế đối với lĩnh vực này theo phương pháp trực tiếp theo doanh thu, hoặc theo phương pháp khoán thuế quy định tại Luật Quản lý thuế.
Theo TP Cần Thơ, thực tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, bạc, đá quý thì cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào, vì người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn, DN tự lập bảng kê theo giá thị trường để tính giá vốn mua vào tương ứng, giá mua này thường tiệm cận giá bán đẫn đến giá trị tăng thêm thấp, thuế VAT phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế, dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn chứng từ để làm căn cứ ghi vào sổ sách kế toán theo quy định. Quy định bắt buộc đối tượng này phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở đưa ra mức tỷ lệ với hoạt động này và doanh thu kinh doanh vàng rất lớn, nên cơ quan này đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Anh Trần Minh Hiếu, chủ một cơ sở kinh doanh vàng, bạc, đá quý của Bảo Tín Minh Châu tại quận Hà Nội cho rằng, với phương pháp tính thuế theo dự thảo mới của Bộ Tài chính thì các đơn vị kinh doanh vàng, bạc, đá quý sẽ có “lợi” hơn. Bởi nếu không quản lý chặt chẽ về hóa đơn, một số đơn vị kinh doanh mặt hàng này có thể “lợi dụng” sự chênh lệch giữa giá mua và bán, làm giả giá trị hay không kê khai hóa đơn mua - bán, bởi mức chênh lệch càng thấp thì thuế phải nộp cũng càng ít.
“Nếu áp dụng phương pháp tính thuế dựa trên sự chênh lệch giữa mua vào và bán ra thì các đơn vị kiểm toán phải rà soát hóa đơn đến 2 lần hay thậm chí nhiều hơn, trong khi tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thì không cần biết mua vào bao nhiêu, chỉ cần bán ra, có doanh thu là có thuế nộp cho ngân sách nhà nước”, anh Hiếu nhận định.
Cũng theo anh Hiếu, để đánh giá được phương pháp tính thuế nào mang lại lợi ích hơn cho Nhà nước, thì không thể nhận định ngay trong một khoảng thời gian ngắn, bởi vàng là loại hàng hóa đặc biệt. Mọi chính sách, quy định liên quan đến mặt hàng này có lẽ phải cần thời gian dài áp dụng trong thực tiễn mới có thể kết luận được.