Dấu ấn của ông Lê Trí Thanh trên cương vị Chủ tịch tỉnh Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh được xác định với tư cách người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam đã thiếu sự quản lý, để một số cấp dưới vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết công khai bằng hình thức giơ tay miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Trí Thanh. 

Ông Lê Trí Thanh được xác định với tư cách người đứng đầu đã thiếu sự quản lý, để một số cấp dưới vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Nhận thức trách nhiệm của bản thân, tháng 11/2023, ông Lê Trí Thanh đã có đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Ban Bí thư đã thống nhất giải quyết theo nguyện vọng cá nhân và HĐND tỉnh Quảng Nam miễn nhiệm theo quy định.

Ông Lê Trí Thanh sinh năm 1970, quê ở thị xã Điện Bàn. Ông được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2019 đến nay.

Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Thanh được đánh giá là người có năng lực, có tâm huyết, khát vọng lớn đưa Quảng Nam phát triển.

Dau an cua ong Le Tri Thanh tren cuong vi Chu tich tinh Quang Nam

Quy hoạhc tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang nhiều dấu ấn của ông Lê Trí Thanh. Ảnh: T.V.

Hoàn thiện đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam

Tháng 1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch này có nhiều dấu ấn của ông Lê Trí Thanh. 

Theo đó, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại.

Qua đó thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Nam với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Đặc biệt, tỉnh phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam sẽ hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn.

Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương...

Ông Thanh cho rằng, mặc dù tiến độ quy hoạch vẫn còn chậm so với yêu cầu chung của Chính phủ, nhưng được đánh giá cao về chất lượng. Quy hoạch cơ bản thể hiện rõ những mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng của Quảng Nam từ nay đến năm 2030.

Trong đó, xác định Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá, là cực tăng trưởng quan trọng của miền Trung - Tây Nguyên. Quy hoạch cũng cho thấy vị trí, vai trò, sức bật rất lớn của Quảng Nam trong việc đóng góp cho sự phát triển chung của vùng và cả nước. 

Dau an cua ong Le Tri Thanh tren cuong vi Chu tich tinh Quang Nam-Hinh-2

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Khơi thông sông Cổ Cò

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công trình này dài 19km có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ tác động rất lớn đến hàng trăm dự án Bất động sản khu vực vùng Đông thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Ông Lê Trí Thanh cho biết, dự án khơi thông sông Cổ Cò có rất nhiều ý nghĩa. Trong đó, khơi thông sông Cổ Cò sẽ kết nối hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Dự án này sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông.

Bên cạnh đó, khi khơi thông sông Cổ Cò, sẽ tạo thêm giao thông đường thuỷ, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại, giảm tải cho đường bộ.

Đặc biệt, dự án hoàn thành sẽ tăng cường khả năng thoát lũ khu vực phía Đông của thị xã Điện Bàn. Khu vực này sẽ có cơ hội thoát lũ về hai cửa sông Thu Bồn và sông Hàn nhanh hơn.

Ông Thanh cho biết thêm, sau khi khơi thông sẽ có tác dụng kích thích cho sự phát triển đô thị và du lịch ở khu vực lân cận như khu đô thị Điện Bàn (thuộc Điện Nam - Điện Ngọc) và các dự án du lịch ven biển Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng bởi vì các đô thị hiện đại, các đô thị đẹp thường có xu hướng bám theo dòng sông. 

Ngoài ra, khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông, sẽ trả lại giá trị về văn hoá, lịch sử của dòng sông. 

Dau an cua ong Le Tri Thanh tren cuong vi Chu tich tinh Quang Nam-Hinh-3

Ông Lê Trí Thanh trong một lần kiểm tra vụ phá rừng trên địa bàn Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Phát triển kinh tế gắn với môi trường, bảo vệ rừng

Khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Thanh tạo nhiều dấu ấn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là "nói không" với các dự án ảnh hưởng đến môi trường.

Với chủ trương sắp xếp lại lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, giao khoán rừng cho cộng đồng, những năm qua rừng ở Quảng Nam đã được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, ít bị phá so với thời gian trước.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025). 

Cùng với đó, ông Lê Trí Thanh đã thể hiện sự kiên định của tỉnh Quảng Nam trong việc lựa chọn con đường phát triển nhanh nhưng bền vững. Hàng loạt dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đã bị ông Thanh gạt bỏ.

Ông Thanh nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững.

"Những năm gần đây tỉnh Quảng Nam đã hành động tích cực, quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt động vật trái phép; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng được thành lập; nhiều qui hoạch ngành, qui hoạch xây dựng đã phải điều chỉnh; nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đã bị từ chối; nhiều dòng sông đã và đang được khơi thông; nhiều thềm bãi biển đang được phục hồi", ông Thanh nói. 

Ông Lê Trí Thanh cũng khẳng định, tỉnh Quảng Nam đã xác định con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Quá trình phát triển, phải hết sức lưu ý đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa. "Tỉnh Quảng Nam giữ vững nguyên tắc phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường sinh thái", ông Thanh nhấn mạnh.

Dau an cua ong Le Tri Thanh tren cuong vi Chu tich tinh Quang Nam-Hinh-4

ÔngLê Trí Thanh trong chuyến khảo sát thực địa sông Trường Giang. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Hồi sinh sông Trường Giang

Cuối tháng 3/2022, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam", vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Theo quyết định này, Quảng Nam được thực hiện dự án nạo vét sông Trường Giang.

Dự án thuộc nhóm A do tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 118 triệu USD (hơn 2.700 tỷ đồng), trong đó vốn vay WB 79 triệu USD, Quảng Nam đối ứng 39,5 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.

Ông Lê Trí Thanh cho biết, việc khơi thông sông Trường Giang sẽ giúp cho tỉnh mở ra cơ hội phát triển tại vùng phía Đông của tỉnh này.

Theo ông Lê Trí Thanh, sông Cổ Cò và sông Trường Giang là 2 tuyến sông ven biển của tỉnh Quảng Nam có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do chưa được quy hoạch, ven sông Trường Giang còn rất hoang sơ. Vì vậy, khu vực này cần được tập trung nghiên cứu để làm một cách bài bản và khoa học.

"Mục đích của dự án nạo vét sông Trường giang là để phục vụ giao thông thuỷ, phục vụ cho ngành du lịch và tạo cảnh quang phát triển đô thị. Đồng thời, việc này còn giúp cho vận tải hàng hoá trên sông được thuận lợi", ông Thanh cho hay. 

Ngoài những dấu ấn trên, ông Thanh còn góp phần phát triển nhiều dự án, lĩnh vực khác như: Xây dựng đề án xã hội hoá sân bay Chu Lai; các tuyến đường kết nối từ Đông sang Tây; đường ven biển 129; các dự án liên kết vùng... 

Ông Lê Trí Thanh (54 tuổi, quê quán xã Điện Hồng, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có trình độ chuyên môn Cử nhân ngành ngân hàng, Cử nhân luật kinh tế, Thạc sĩ chính sách công, Cử nhân chính trị.

Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn. 

Tháng 7/2015, ông được HĐND tỉnh Quảng Nam bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và sau đó là nhiệm kỳ 2016-2021.

Tháng 11/2019, tại Hội nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bầu ông giữ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Cũng trong tháng 11/2019, HĐND tỉnh đã bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Tháng 6/2021, tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, ông Thanh tái đắc cử chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo An Khang/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN