Đang thụ án chung thân, “siêu lừa” Dương Thanh Cường lãnh thêm 20 năm tù

Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Thanh Cường (SN 1966, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) mức án 20 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". 
Tổng hợp bản án tù chung thân mà Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM đã tuyên đối với Dương Thanh Cường về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào năm 2016, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tù chung thân. Ngoài ra, hội đồng xét xử còn tuyên buộc bị cáo Cường hoàn trả lại cho Công ty Bất động sản FPT số tiền 34 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương ký hợp đồng hợp tác liên doanh góp vốn với Công ty Bất động sản Phương Nam để xây dựng chung cư và trung tâm thương mại tại lô đất số 10 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú TPHCM. Công ty Dệt kim Đông Phương góp vốn 10%, Công ty Bất động sản Phương Nam góp vốn 90%. Đến tháng 5-2007, Công ty Bất động sản Phương Nam chuyển nhượng 80% vốn cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát do Dương Thanh Cường làm Tổng Giám đốc.
Bị cáo Dương Thanh Cường tại phiên tòa.  
Đến tháng 1-2008, qua giới thiệu, ông Hoàng Nam Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản FPT, gặp bị cáo Cường thương thảo về việc hợp tác đầu tư xây chung cư. Thực hiện thỏa thuận, Công ty Bất động sản FPT chuyển khoản 41,5 tỷ đồng (tương đương 2,6 triệu USD) vào tài khoản của Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát. Sau đó, bị cáo Cường thành lập Công ty Bất động sản Đông Phương Phát với vốn điều lệ 310 tỷ đồng nhằm mục đích xây dựng chung cư, trung tâm thương mại. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát góp 248 tỷ đồng, Công ty Bất động sản Phương Nam góp 31 tỷ đồng và Công ty Dệt kim Đông Phương góp 31 tỷ đồng.
Tháng 5-2008, Công ty Dệt kim Đông Phương ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất tại lô đất số 10 đường Âu Cơ, quận Tân Phú vào Công ty Bất động sản Đông Phương Phát.
Lẽ ra bị cáo Cường phải chuyển các giấy tờ đất đai để Công ty Bất động sản FPT triển khai thực hiện dự án xây dựng chung cư. Tuy nhiên, Cường lại dùng giấy tờ đất đai làm tài sản thế chấp ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là SacomBank) vay 15.846 lượng vàng SJC.
Do Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát liên tục vi phạm cam kết nên Công ty Bất động sản FPT yêu cầu Công ty Bình Phát phải hoàn lại số tiền 2,6 triệu USD tương ứng 41,5 tỷ đồng. Bị cáo Cường làm giả 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 căn nhà trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) giao cho Công ty Bất động sản FPT làm bảo lãnh cho việc thanh toán. Tính đến tháng 3-2009, Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát chỉ mới trả cho Công ty Bất động sản FPT 7,5 tỷ đồng. Số tiền gốc hơn 34 tỷ đồng, bị cáo Cường không còn khả năng thanh toán.
Bào chữa cho bị cáo Dương Thanh Cường, luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo vô tội vì đây là giao dịch dân sự. Hội đồng xét xử nhận định: thực tế bị cáo Cường đã dùng thủ đoạn gian dối để mang giấy tờ đất đi thế chấp vay 15.846 lượng vàng SJC mà không thực hiện cam kết xây chung cư như hợp đồng. Từ đó, hội đồng xét xử bác đề nghị này của luật sư.
Trong vụ án trước đây, bị cáo Dương Thanh Cường bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt mức án tù chung thân về hai tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Cường lập ra nhiều công ty, thuê người làm giám đốc để sử dụng những pháp nhân này vay vốn ngân hàng. Bằng thủ đoạn tinh vi, bị cáo Cường hai lần chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh 6, TPHCM (viết tắt Agribank chi nhánh 6).
Lần đầu, bị cáo Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, thế chấp dự án số 10 Âu Cơ phường Tân Thành quận Tân Phú TPHCM để vay 170 tỷ đồng của Agribank chi nhánh 6.
Lần thứ hai, bị cáo Cường lập hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 số tiền 700 tỷ đồng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú huyện Bình Chánh TPHCM, thế chấp bằng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh và Agribank chi nhánh 6 đã giải ngân 628 tỷ đồng.
Sau đó, bị cáo Cường chỉ đạo cấp dưới mượn lại những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản thế chấp rồi mang đến Ngân hàng Phương Nam (nay là SacomBank) thế chấp vay mượn tiền, vàng.
Theo Ái Chân/Sài Gòn giải phóng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN