Dâm ô trẻ em, những con số kinh hoàng

Trong 5 năm (2012-2016), cả nước ghi nhận gần 6,7 ngàn vụ dâm ô trẻ em. Hơn 8.100 trẻ đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại. 
Tình trạng xâm hại trẻ em đang có diễn biến phức tạp, cần cấp thiết tìm ra các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em đã được những người có trách nhiệm lên tiếng tại Hội thảo phòng chống tội phạm dâm ô trẻ em sáng 28/7.
Hội thảo do Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức.
Xam hai tinh duc tre em, nhung con so kinh hoang
Đại diện cơ quan công an phát biểu tại Hội thảo về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em 
Trẻ thành thị, nông thôn đều có thể bị xâm hại
Thống kê của Tổng Cục Cảnh sát cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cả nước ghi nhận có 805 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xác định có 881 đối tượng là thủ phạm.
Hầu hết các vụ trẻ bị xâm hại đều do thân nhân của trẻ hoặc người dân tố cáo, lực lượng chức năng chủ động phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6% vụ việc.
Đại tá Nguyễn Hữu Sự - phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến cực kỳ phức tạp.
Ở các vùng nông thôn, việc này xảy ra do người lớn đi làm để trẻ em ở nhà hoặc các em đi bộ đi học trên đoạn đường dài. Khoảng thời gian này là cơ hội cho những kẻ bệnh hoạn tìm cách xâm hại trẻ.
Theo ông Sự, ở các thành phố, vấn đề cũng trở nên phức tạp không kém. Tình trạng các thanh niên ở dụ dỗ, đưa các bé gái 10-15 tuổi đi nhà nghỉ, trốn gia đình sống chung nhiều ngày diễn ra phổ biến.
Từ nhiều năm trước, Cục cảnh sát đã ghi nhận tình trạng nhiều nhóm thiếu niên, trẻ em tụ tập 5-7 em, cả nam lẫn nữ sống chung với nhau, quan hệ tập thể rất đáng lo ngại.
Theo Tổng cục Cảnh sát, trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương ghi nhận nhiều vụ xâm hại trẻ em là Hà Nội (32 nạn nhân), Tây Ninh (31 nạn nhân), Kiên Giang (30 trẻ), TP.HCM (28 nạn nhân)…
Thống kê chi tiết hơn, Tổng cục Cảnh sát cho biết khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố phía Nam thuộc Đông - Tây Nam bộ và TP.HCM từ năm 2014-2016, ghi nhận xấp xỉ 1.000 vụ. Trong đó, 78 nạn nhân là trẻ dưới 10 tuổi, 306 trẻ 10-13 tuổi và 632 nạn nhân từ 13-16 tuổi.
Xam hai tinh duc tre em, nhung con so kinh hoang-Hinh-2
6 tháng đầu năm 2017, các địa phương ghi nhận 805 vụ xâm hại tình dục trẻ
Những “hung thủ” bất ngờ
Theo Tổng Cục Cảnh sát, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người có cuộc sống bình thường ít ai ngờ tới, có quan hệ gần gũi với nạn nhân và gia đình nạn nhân như người thân, ruột thịt, thầy giáo, hàng xóm…
Đặc biệt, tình trạng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và du lịch tại Việt Nam cũng thực hiện các hành vi xâm hại trẻ, kể cả trẻ nam.
Thống kê cho thấy hầu hết các trường hợp xâm hại trẻ em là do hung thủ lợi dụng trẻ ở một mình, nơi vắng vẻ, hoặc ở trường học để tấn công, xâm hại.
Một hình thức khác nữa là các đối tượng làm quen với trẻ qua mạng intenet, sau đó dụ dỗ, cho tiền rồi khống chế, đe doạ để xâm hại trẻ.
Nhiều trường hợp khác thì các đối tượng lợi dụng các bé gái mới lớn, bỏ học ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người, kinh tế khó khăn, nhận thức bị hạn chế để dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài rồi cưỡng bức vào các nhà hàng mại dâm.
Thậm chí, lực lượng chức năng ghi nhận được nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan để xâm hại trẻ, hoặc cho trẻ uống rượu, bia, chất kích thích dẫn tới mất hoặc giảm khả năng tự vệ để xâm hại trẻ em.
Đại tá Nguyễn Hữu Sự chia sẻ, việc đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết án xâm hại không bao giờ bắt được quả tang. Khi vụ việc xảy ra đều chỉ có hung thủ và nạn nhân, khi người thân của các bé phát hiện thường đã qua khá lâu khiến công tác thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường hợp chứng cứ không thể khắc phục được như lông, tóc, máu, vết cào cấu... đã bị tiêu huỷ.
Thêm vào đó, việc nạn nhân còn nhỏ tuổi, bị dư chấn tâm lý mạnh dẫn tới việc cho lời khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân dẫn tới những khó khăn, trở ngại rất lớn trong công tác điều tra.
Một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi dâm ô trẻ em còn chưa rõ ràng...
Theo Tổng cục Cảnh sát, việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của ngành, biện pháp kỹ thuật rất khó phát huy trong công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em.
Để ngăn chặn tình trạng này cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo môi trường tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.
Trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, nhiều vụ loạn luân
Theo Tổng Cục Cảnh sát, tình trạng loạn luân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, cảnh báo về sự suy đồi đạo đức trong xã hội.
Thống kê chi tiết của Tổng Cục Cảnh sát trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2016, cho thấy có hơn 4.100 vụ xâm hại trẻ em. Hơn 80% trẻ bị xâm hại là nữ, trong đó trẻ dưới 6 tuổi 278 em, từ 6-13 tuổi có 1.333 nạn nhân và hơn 2.500 em từ 13-16 tuổi.
Trong số đó, khoảng 30% trẻ bị xâm hại nhiều lần. Trẻ bỏ học, sống lang thang bị xâm hại chiếm khoảng 11% tổng số nạn nhân.
Theo Gia Minh/Tuổi Trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN