-
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân ở nhiều nước trên thế giới khi số ca nhiễm, tử vong vì virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng. Trong bối cảnh này, một số chuyên gia đã đưa ra dự báo về thời điểm đại dịch COVID-19 có thể kết thúc.
-
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Giáo sư Art Reingold, Trưởng khoa Dịch tễ tại Đại học California ở Berkeley nhận định thời điểm đại dịch COVID-19 kết thúc phụ thuộc vào việc liệu còn xuất hiện thêm các biến thể có khả năng kháng vắc xin trong tương lai hay không.
-
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự kết thúc của đại dịch COVID-19 là thời điểm tỷ lệ dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ giúp đạt miễn dịch cộng đồng.
-
Theo Giáo sư Art Reingold, virus SARS-CoV-2 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu trong khoảng 12 - 18 tháng tới.
-
Chia sẻ về diễn biến của đại dịch COVID-19 trong tương lai, Phó giáo sư khoa Dịch tễ của trường Đại học Michigan (Mỹ), bà Marisa Eisenberg cho hay hiện còn quá sớm để xác định thời điểm chính xác mà virus SARS-CoV-2 sẽ được khống chế. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến với dịch bệnh nguy hiểm này.
-
Dù vậy, Phó giáo sư Marisa Eisenberg bày tỏ sự lạc quan và hy vọng thế giới sẽ sớm đạt được trạng thái "không COVID-19". Theo bà, khi điều đó xảy ra, virus SARS-CoV-2 sẽ chỉ còn được xem như bệnh đặc hữu và có thể bùng phát theo mùa.
-
Thêm nữa, hầu hết người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ không đối mặt với những diễn biến xấu do đã được tiêm vắc xin đầy đủ hoặc sản sinh một lượng kháng thể vừa đủ để kháng virus.
-
Để đạt được điều này, việc tuân thủ các chiến lược phòng dịch như đeo khẩu trang và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là điều rất quan trọng để giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.
-
Theo Phó giáo sư Marisa Eisenberg, thời điểm đại dịch COVID-19 kết thúc cũng phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch bệnh thông qua các giải pháp được từng quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thực hiện.
-
Ngay cả khi đại dịch kết thúc thì chúng ta vẫn có thể phải đối mặt với những tác động lâu dài của dịch bệnh như kinh tế ảnh hưởng, lan truyền các thông tin sai lệch...
-
Mời độc giả xem video: WHO khuyến cáo về thuốc chữa sốt rét trong điều trị Covid-19. Nguồn: THDT.