Đại biểu tâm tư chuyện được mùa, rớt giá và hiến kế giải cứu nông sản

Nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận quyết liệt nhưng cũng đầy tâm tư lo lắng trước tình trạng nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, giải cứu trong nông nghiệp xuất hiện ồ ạt hết heo tới chuối, thanh long...
Trong phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm liên quan đến vấn đề giải cứu nông sản đang khiến nhiều người nông dân lao đao, ngành nông nghiệp đau đầu đi tìm lời giải.
Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) đã chỉ ra nhiều tồn tại trong ngành nông nghiệp như một số địa phương phản ánh tình trạng nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, tình trạng giải cứu trong nông nghiệp xuất hiện, hết giải cứu heo, chuối, thanh long, mới đây là su hào.
“Điều này cho thấy sự phát triển của nông nghiệp còn kém bền vững, vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, sản phẩm nông sản của ta chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường ngoài nước”, đại biểu Bùi Xuân Thống nói.
Nhiều đại biểu tâm tư chuyện giải cứu nông sản. Ảnh: Báo Công thương.
Theo ông Thống nguyên nhân của tình trạng trên là do sản xuất trong nông nghiệp còn mang tính tự phát theo phong trào mà chưa theo quy hoạch.
Đại biểu Thống kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp một cách đồng bộ từ việc thông tin cụ thể về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong nông nghiệp, thông tin về quy hoạch, thị trường và yêu cầu tiêu thụ sản phẩm để chủ động lựa chọn sản xuất của mình phù hợp quy hoạch và tái sản xuất khi gặp rủi ro trong sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng với đặc điểm chúng ta 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ đi lên tái cơ cấu thành một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại rất cần thời gian. Ảnh: VGP.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nói như Bộ trưởng có thể dẫn đến hiểu lầm đó là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.
“Kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy, yếu tố tác động từ các cấp chính quyền, đó là sự hỗ trợ của nhà nước và câu chuyện "được mùa rớt giá" "giải cứu nông sản" chính là tư duy phân cấp như thế này”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
“Trong công nghiệp 4.0 thì nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ, nhiều nước có thể để ruộng đất bỏ không, nếu không có đặt hàng. Trong khi đó nông dân của chúng ta sản xuất hàng hóa theo thị trường, khi có trào lưu tiêu thụ, không tính đến cung cầu”, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu ý kiến, theo báo cáo của Chính phủ thì công tác dự báo thị trường còn hạn chế, tình trạng rau, củ, quả, mía đường dư thừa xảy ra ở một số địa phương và trong những tháng gần đây tôm thẻ đang xuống giá trầm trọng, giá cả không đủ bù đắp vào chi phí sản xuất.
“Từ ngàn xưa mặc dù đất rộng, người thưa nhưng ông cha ta đã đúc kết và khẳng định "tấc đất tấc vàng". Tại sao hôm nay nông dân lại không còn thiết tha với đồng ruộng nữa?”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặt câu hỏi.
 Đại biểu Nguyễn Quốc Hận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói rằng, nông dân là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn sản phẩm từ nông nghiệp, đang đóng góp rất lớn cho GDP của đất nước thì hiện tượng này đất đáng được các ngành, các cấp suy ngẫm.
“Sở dĩ có hiện tượng này xảy ra, nguyên nhân chính là do các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân chưa thực sự mang lại hiệu quả. Việc liên kết 4 nhà, như nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học ở đâu trong khi nhà nông cứ long đong mãi. Với điều kiện làm việc cực nhọc, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng thu nhập thì thấp kém nhất so với các ngành nghề. Sự bấp bênh về năng suất, về giá cả, sự phụ thuộc vào thiên nhiên cho nên không biết rủi ro xảy ra lúc nào, được mùa chưa chắc gì đã vui”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận tâm tư.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để có điều chỉnh cho phù hợp, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này, tập trung ruộng đất, nâng cao năng lực dự báo thị trường, tăng cường ký kết các hiệp ước thương mại để giải quyết đầu ra cho nông sản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ cho biết, làm nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, đó là chưa tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường vẫn còn phải giải quyết nông sản.
“Công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Thương hiệu nông sản xây dựng quá chậm. Các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm của nước ta. Ví dụ như Châu Âu phạt thẻ vàng về đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quản lý, không báo cáo, v.v... mà hiện chưa khắc phục xong. Tất cả những yếu kém này làm người sản xuất nông nghiệp luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các cuộc giải cứu nông sản gần như năm nào cũng tái diễn, giải cứu thịt heo hơi đến dưa hấu, mía đường, khoai lang, thanh long và gần đây là củ cải, ớt,... khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản.
“Tôi tự hỏi tại sao chúng ta có nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách giải quyết nông sản mà chưa có bàn cách không giải cứu nông sản. Đó mới chính là giải pháp căn cơ lâu dài trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.
Đại biểu Hòa đưa ra giải pháp, để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện thì cần phải thực hiện hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ chuyện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản.
Nói về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với đặc điểm chúng ta 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ đi lên tái cơ cấu thành một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại rất cần thời gian.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN