Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã kết thúc phần tranh luận và bước vào nghị án.
Tại phiên tòa này, bị cáo Phạm Nhật Vũ bị xét xử về tội đưa hối lộ khi bị cáo buộc sau khi hoàn thành thương vụ bán cổ phần AVG cho Mobifone đã 'cảm ơn" ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng đều đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt,áp dụng 'đầy đủ, triệt để' tình tiết giảm nhẹ cho ông Phạm Nhật Vũ.
Theo cơ quan tố tụng, mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của Mobifone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho Mobifone. Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, ông Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nhiều đóng góp cho cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa…Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số tỉnh thành đã có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Xét toàn bộ diễn biến vụ việc trên, ngay từ đầu, ông Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên sau đó, do yêu cầu về mặt quản lý nhà nước và nhu cầu kinh doanh, Mobifone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Phạm Nhật Vũ để mua cổ phần của AVG. Sau khi việc mua bán hoàn tất, ông Vũ nghĩ rằng theo văn hoá Việt Nam thường biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân nhưng không ý thức được hết việc biếu tiền này bị xem xét là hối lộ.
Khi dư luận có dị nghị về việc giá mua cao, làm thất thoát tài sản nhà nước, dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Phạm Nhật Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án…
Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm, chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà Mobifone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng; mua lại số thiết bị, vật tư tồn kho của Mobifone với chi phí khoảng 120 tỷ đồng.
Do vậy, lời ông Phạm Nhật Vũ khai tại tòa được dư luận tin tưởng khi bị cáo này đã "Thề có trời đất là không chiếm đoạt gì của Nhà nước, nhân dân vì từ trước đến nay bị cáo cũng làm từ thiện giúp nhiều người nghèo. Sau khi dư luận điều tiếng về việc lấy tiền khuất tất đi làm từ thiện, bị cáo đã bàn bạc với gia đình đi vay mượn cả năm qua để trả lại số tiền đã nhận từ thương vụ bán AVG cùng chi phí và lãi đầy đủ".
Người ta tin ông Vũ bởi một người trong hơn 20 năm qua đã âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng trăm công trình, hỗ trợ gia đình thương binh liệt sỹ, trợ giúp hàng vạn người ở vùng bão lũ khó khăn..., một người mà chủ động nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ án với số tiền lớn để không gây thiệt hại cho nhà nước không thể nào là người có mục đích lấy tiền của nhà nước, của người dân để trục lợi cho cá nhân.
Cũng không phải ngẫu nhiên khi gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì có đến hơn 2000 cá nhân, tổ chức uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin bảo lãnh, khoan hồng đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Nhiều ý kiến trong dư luận còn có cái nhìn chưa đúng đắn, thậm chí sai lệch khi cho rằng, việc các cá nhân tổ chức trong và ngoài nước xin khoan hồng cho ông Vũ là do gia đình ông Vũ tác động, chạy tiền, mua đơn mua chữ ký.
Bởi gia đình ông Vũ dù có tiền nhiều thế nào cũng không thể mua được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, không thể mua được một Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi - nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản có sức ảnh hưởng tới hàng ngàn ngôi chùa trên nước Nhật và càng không thể "mua" được ông Kirsan Ilyumzhinov - nguyên Tổng thống đầu tiên Nước cộng hoà Kalmykia thuộc Liên bang Nga... để họ viết đơn xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Vũ.
Động cơ của hơn 2.000 cá nhân, tổ chức xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ có lẽ xuất phát từ tấm lòng cảm phục đối với những hành động thiện nguyện của ông Vũ khi sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội.
Họ không tin ông Vũ vì động cơ vụ lợi mà vi phạm pháp luật nên những hành động của họ xuất phát từ tấm lòng, sự tin tưởng đối với ông Phạm Nhật Vũ.
Không phải ông Phạm Nhật Vũ may mắn khi lúc sa cơ vẫn có người vợ trẻ kề vai sát cánh, nói những lời gan ruột, đồng cam cộng khổ, có hàng nghìn người từng được ông Vũ giúp đỡ và chứng kiến những việc ông Vũ từng làm viết đơn xin khoan hồng giảm án cho ông Vũ.
Bởi đó là kết quả của một quá trình phát tâm thiện nguyện, sống không chỉ cho bản thân mình mà còn sống cho người khác của cựu Chủ tịch AVG. Điều này rất đúng với câu nói: "Khi con đường của bạn rộng mở, bạn bè biết bạn là ai. Khi bạn rơi vào nghịch cảnh, bạn sẽ biết ai là bạn bè”.
Cũng không phải ngẫu nhiên, khi bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Xuân Nam nêu quan điểm, cho dù ông Tuấn và bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng cũng không bằng sự chủ động khắc phục của ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐTV AVG.
Bởi nếu ông Vũ và gia đình không khắc phục thì ông nghĩ mức án đề nghị của các bị cáo trong phiên tòa này sẽ không như thế này mà khả năng sẽ nặng hơn nhiều, thậm chí ngồi tòa hôm nay không chỉ có từng này bị cáo và mức án cũng không thể như VKS đề xuất.
Khi nói lời sau cùng bị cáo Nguyễn Bắc Son, Phạm Thị Phương Anh và Hồ Tuấn đều gửi lời cảm ơn xin HĐXX khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Hiện nay, HĐXX đang tiến hành nghị án, dù mức án tòa tuyên đối với ông Phạm Nhật Vũ có thế nào đều là cái giá phải trả cho những sai lầm. Dư luận không nên trách mắng mà cần nhìn nhận những đóng góp của ông Vũ cho xã hội, nhìn nhận sự chủ động, tích cực khắc phục thiệt hại, tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án.
Ông Vũ hoàn toàn xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật như các cơ quan tố tụng đã đề nghị để sớm có cơ hội đóng góp cho xã hội, sửa chữa những sai lầm đã mắc phải liên quan đến vụ án này.
>>> Mời độc giả xem video Bà Kolmakova Ekaterina, vợ Phạm Nhật Vũ nói tại tòa:
Nguồn: Báo Người Lao động.
Nói lời sau cùng, 3 bị cáo Bắc Son, Phương Anh, Hồ Tuấn xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ:
Khi nói lời sau cùng trước tòa, nhiều bị cáo đã xin được giảm án cho ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch AVG vì ông có nhiều đóng góp cho xã hội và ông cũng đã khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT&TT) cho biết, đối với ông Phạm Nhật Vũ, ông Son nói trước khi vào trại tạm giam, ông biết ông Vũ đã góp phần tích cực khắc phục hậu quả vụ án này, đã nộp lại số tiền vốn, gốc, hỗ trợ tiền lãi cho MobiFone. Qua kết luận điều tra, cáo trạng, ông Son biết thêm thông tin ông Vũ còn có nhiều đóng góp cho nước nhà, đóng góp cho ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, duy trì phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga… Vì thế cựu bộ trưởng thiết tha đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo Vũ.
Bị cáo Phạm Thị Phương Anhm, cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone nói: “Cám ơn ông Phạm Nhật Vũ vì đã cùng chúng tôi chấm dứt hợp đồng, hoàn trả lại tiền. Cám ơn gia đình ông Vũ vì trong phần xét hỏi, ông Vũ có nói rằng một trong những lí do khắc phục hậu quả là để mong chúng tôi được nhẹ tội. Mong HĐXX xem xét đến thiện chí này của đại gia đình ông Phạm Nhật Vũ”.
Bị cáo Hồ Tuấn trình bày, giai đoạn ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG cho MobiFone, ông không biết Phạm Nhật Vũ. Đến giai đoạn thực hiện hợp đồng và hủy hợp đồng bị cáo mới làm việc với ông chủ AVG. Bị cáo nhận xét Phạm Nhật Vũ là người trách nhiệm và tín nghĩa, thể hiện rõ nhất trong việc khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo gửi lời cảm ơn tới bị cáo Phạm Nhật Vũ.