Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.V.T (42 tuổi, quê Quảng Bình) trong tình trạng trụy mạch, suy hô hấp, sốc mất máu, có vết thương thấu tim do dao đâm.
Sau khi kiểm tra vết thương, và căn cứ tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, không thể vận chuyển lên tuyến trên, kíp trực của Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn đã hồi sức tích cực, dùng vận mạch, đặt nội khí quản, bóp bóng đồng thời liên hệ hỗ trợ từ Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
|
Kíp hỗ trợ chuyên môn do Thạc sỹ, bác sỹ Đỗ Tất Thành, Trưởng khoa phẫu thuật Lồng ngực làm trưởng kíp. |
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bệnh viện Phúc Sơn, kíp hỗ trợ chuyên môn do Thạc sỹ, bác sỹ Đỗ Tất Thành, Trưởng khoa phẫu thuật Lồng ngực làm trưởng kíp đã có mặt tại Bệnh viện.
Trải qua gần 2 giờ phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, các chức năng sống đã trở lại bình thường. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
Bác sỹ Đỗ Tất Thành, trưởng kíp mổ cho biết: “Phẫu thuật mổ tim là phẫu thuật khó, yêu cầu Phẫu thuật viên phải làm việc trong quá trình tim đang đập rất nhanh. Bác sĩ gây mê phải làm chậm nhịp tim lại nhưng vẫn phải duy trì huyết áp ổn định và các chức năng sống cho bệnh nhân. Đồng thời kèm theo lượng máu của bệnh nhân mất nhiều trước lúc vào viện nên vừa phải truyền máu vừa thực hiện mổ”.
Phẫu thuật cấp cứu vết thương tim, vết thương thấu ngực kèm tổn thương mạch máu là một cấp cứu tối khẩn cấp, độ khó cao, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, xử trí nhanh, chính xác kịp thời và phải phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều chuyên khoa.
Với những bệnh nhân bị vết thương ở tim 90% sẽ tử vong ngoại viện hoặc tử vong trước phẫu thuật do tình trạng mất máu cấp và chèn ép tim cấp (máu tụ khoang màng tim gây hạn chế hoạt động của tim). Vết thương tim là một thể tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng 5%) cần được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí.