Ngày 13-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Vũ Huy Hoàng (SN 1953, đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), Lâm Nguyên Khôi (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) cùng 4 người khác.
Hai bị can Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và các bị can còn lại bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý đất đai".
Biến đất công thành đất... ông
Năm 2008, Sabeco được UBND TP HCM giao khu đất 6.080 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, vốn đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng. Sau đó, Sabeco thành lập Công ty Sabeco Pearl (Sabeco góp 26%) cùng 3 nhà đầu tư khác nhằm thực hiện dự án này, rồi tuyên bố thoái vốn vào năm 2016, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Ở vụ việc này, Bộ Công an nhận định bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ và Tổng Công ty Sabeco chịu trách nhiệm trước bộ trưởng về thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, trong đó có Tổng Công ty Sabeco. Bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được sắp xếp, giao cho Bộ Công Thương, Tổng Công ty Sabeco quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, bà Thoa vẫn báo cáo cho bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt, ký 3 văn bản chấp nhận chủ trương cho Tổng Công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl. Đồng thời, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của DN nhà nước để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng Công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl, nghĩa là từ tài sản nhà nước sang tư nhân. Từ đó, các sở, ngành tại TP HCM tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái pháp luật.
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl làm chủ đầu tư, mặc dù chưa triển khai hoạt động nhưng vào tháng 2-2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Sabeco thoái 26% vốn tại Công ty Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần. Đến nay, Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl, DN 100% vốn tư nhân) đã đứng tên quyền sử dụng lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1). Hậu quả, bà Hồ Thị Kim Thoa cùng đồng phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Bộ Công an, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết nên bộ đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào Bộ Công an bắt được bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) đã bị các cán bộ biến chất biến từ “đất công thành đất ông”, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU.
|
Người đứng đầu chỉ nhận thiếu trách nhiệm (!?)
Tại cơ quan điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm đối với vai trò người đứng đầu Bộ Công Thương. Ông Hoàng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa vì bà Thoa là thứ trưởng phụ trách trực tiếp vụ Công nghiệp nhẹ, Tổng Công ty Sabeco. Ngoài ra, việc chấp nhận cho Công ty Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, được thuê đất tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP HCM.
Ông Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng trong việc định mức 13.247 đồng/cổ phần làm giá khởi điểm cũng như giá 14.433 đồng/cổ phần khi dự án có thêm chức năng căn hộ trên cơ sở báo cáo của Tổng Công ty Sabeco, ông chỉ nêu chủ trương chứ không kết luận, phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá. Việc thực hiện thoái vốn thuộc về Tổng Công ty Sabeco.
Tuy nhiên, Bộ Công an kết luận hành vi của ông Vũ Huy Hoàng diễn ra trong một thời gian dài, có tính hệ thống, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước. Hành vi này gây hậu quả, thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách nhà nước.
Về hành vi của ông Nguyễn Hữu Tín, Bộ Công an kết luận ông Tín đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và cho công ty này thuê đất 50 năm là không đúng đối tượng, trái với các quy định của pháp luật để chuyển quyền sử dụng đất có giá trị 1.075 tỉ đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận hành vi ký quyết định cho thuê đất trái quy định của pháp luật đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, không thừa nhận động cơ tư lợi.
Khẩn trương rà soát tài sản công
Bộ Công an có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo, đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành tại các DN nhà nước, DN có vốn nhà nước nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.
Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DN nhà nước để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.