Chủ tọa là thẩm phán Vũ Quang Huy; bốn kiểm sát viên của Viện KSND Hà Nội tham gia công tố cùng gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho 27 bị cáo, trong đó, ông Trần Văn Nam có 5 luật sư.
Theo quyết định xét xử, đại diện các tổ chức được triệu tập gồm: Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương, Cục Thuế tỉnh Bình Dương, các sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng hàng loạt doanh nghiệp liên quan vụ án. Ngoài ra, HĐXX triệu tập 8 cá nhân và giám định viên.
Theo cáo trạng, bị can Trần Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất & Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương) là doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh nhưng ông Minh và người thân còn lập các công ty “sân sau” gồm: Tân Thành; Công ty TNHH Phát Triển; Công ty Đầu tư - Xây dựng Tân Phú.
Năm 2011, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương xin được giao 2 mảnh đất tại Khu liên hợp tỉnh gồm 43ha đất xây khu dân cư Tân Phú và 145ha để xây sân golf, nghỉ dưỡng. Sau khi hồ sơ đến cơ quan thuế, bị can Lê Văn Trang, nguyên Cục trưởng Cục Thuế cùng thuộc cấp đã đề xuất đơn giá gần 52.000 đồng/m2.
Viện kiểm sát cho rằng, nhóm bị can tại UBND tỉnh Bình Dương biết rõ cơ quan thuế lấy quy định của năm 2006 để áp cho năm 2012 là sai nhưng vẫn phê duyệt. Trong đó, ông Trần Văn Nam bị cáo buộc biết sai nhưng “vẫn giao đất”, gây thiệt hại 761 tỷ đồng.
Năm 2015, khi bắt đầu phải cổ phần hóa, Tỉnh ủy ra văn bản yêu cầu chuyển khu đất 43ha nói trên về Công ty Impco (ban đầu là công ty con của Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương nhưng từ năm 2016 trực thuộc Tỉnh ủy); còn khu đất 145ha dự kiến xây sân golf được yêu cầu phải giữ lại. Tuy nhiên, các bị can trong vụ án làm ngược lại, với động cơ chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất.
Tại khu 43ha, bị can Nguyễn Văn Minh thống nhất với con rể là bị can Nguyễn Đại Dương cùng các đồng phạm bán trái phép bằng cách mang đi góp vốn liên doanh tại Công ty Tân Phú. Cụ thể, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương góp 60 tỷ đồng vào Tân Phú tương ứng 30% cổ phần; Công ty Âu Lạc của Dương góp 70% còn lại.
Sau đó, Nguyễn Văn Minh bán khu đất này cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỷ đồng. Tiếp đến, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương cũng bán nốt 30% cổ phần của mình tại Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Âu Lạc của Dương “thâu tóm” 43ha đất nhà nước với chi phí 411 tỷ đồng. Tài sản này sau đó được bán cho Công ty Kim Oanh của bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, ở TP HCM).
Cơ quan tố tụng cáo buộc, giá trị khu 43ha tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2019 là 1.335 tỷ đồng nên các bị can gây thiệt hại 984 tỷ đồng (1.335 tỷ trừ 411 tỷ Âu Lạc đã trả).
|
Ông Trần Văn Nam
|
Thâu tóm đất công rồi sang tay giữa công các công ty sân sau
Viện kiểm sát cho rằng, bị can Nguyễn Văn Minh và con gái Nguyễn Thục Anh cũng tìm cách thâu tóm bằng cách mang đi liên doanh, góp vốn. Tỉnh ủy yêu cầu khu đất phải để lại Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương sử dụng sau khi cổ phần hóa nhưng Minh đưa cả 145ha vào danh mục “tài sản chờ thanh lý” để không xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Khu đất sau đó được góp vốn vào Công ty Tân Thành rồi “sang tay” giữa các doanh nghiệp sân sau của Trần Văn Minh. Kết quả, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương chỉ thu về 442 tỷ đồng trong khi giá trị thực khu đất là 4.472 tỷ đồng. Như vậy, các bị can gây thiệt hại 4.030 tỷ đồng.
Với hành vi tham ô tài sản, cơ quan tố tụng cáo buộc sau khi không đưa 145ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo hoàn tất thủ tục để thay đổi quyền sử dụng đất từ Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương sang tên Công ty Tân Thành. Qua đây, Minh và con gái cùng các đồng phạm chiếm đoạt 815 tỷ đồng của nhà nước.
Trong vụ án này, cựu Bí thư Trần Văn Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật về đất đai, doanh nghiệp cùng các văn bản liên quan trong việc cho Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương được nhận đất nhà nước rồi chuyển cho tư nhân. Ông Nam bị cho phải chịu trách nhiệm chính về những quyết định và chỉ đạo của mình dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước.