Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, từ tháng 11 năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an TP.HCM phối hợp công an địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản, đồng thời kiểm tra hành chính đối với một số công ty khác.
Trung tuần tháng 2 năm 2023, Bộ Công an chỉ đạo Công an Tiền Giang với công an các địa phương triệt phá các hội nhóm, đối tượng thuộc Công ty Luật Pháp Việt có hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang qua vụ này đã khởi tố 60 bị can, trong đó có 2 phó Giám đốc Công ty TNHH Pháp Việt, 20 trưởng phòng, 1 thư ký và 31 nhân viên, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật.
Theo Bộ Công an, sau khi cơ quan công an phá các vụ án xảy ra ở Tiền Giang và TP.HCM, một số tổ chức núp bóng công ty đòi nợ thuê trái pháp luật đã có những hoạt động co gọn lại, chuyển địa bàn và nhiều hành vi ứng phó. Hành vi núp bóng công ty luật, công ty tài chính đòi nợ thuê trái pháp luật, triển khai các hành vi đe dọa khủng bố trên mạng xã hội cũng như đe dọa khủng bố tinh thần của người vay nợ đã giảm hẳn trên cả nước, tạo sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân.
Liên quan đến tình hình này, PV đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để nhận diện rõ hơn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cho vay tài chính cũng như các biện pháp phòng ngừa.
Nhận diện từ sớm và xử lý quyết liệt, nghiêm khắc
Thưa Trung tướng, trong thời gian gần đây, Bộ Công an, Công an các địa phương đã tổ chức trấn áp, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cho vay tài chính, cho vay cầm đồ, để điều tra về các dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Cảnh sát Hình sự có đánh giá như thế nào về hoạt động này?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Tình trạng cho vay tín dụng "đen", đòi nợ kiểu khủng bố, cưỡng đoạt tài sản… được Bộ Công an nhận diện từ rất sớm. Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, từ gần cuối năm ngoái đến nay, các lực lượng công an đã vào cuộc xử lý rất quyết liệt, nghiêm khắc. Đó cũng là sự cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng, cần phải chấp hành đúng quy định pháp luật.
Qua các vụ án đã triệt phá cho thấy, đa số có các biểu hiện bên ngoài là đòi nợ thuê, vu khống, khủng bố đòi nợ nhưng có bản chất là cưỡng đoạt tài sản. Về phương thức, thủ đoạn hoạt động đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vay tiêu dùng trong truyền thống là các bên phải gặp gỡ với nhau mới thực hiện được giao dịch thì bây giờ sử dụng công nghệ, vay và cho vay thực hiện qua app. Thứ hai, các đối tượng không cho vay vượt mức lãi suất Nhà nước quy định, 20%/năm, mà lợi dụng đặt ra nhiều khoản phí. Cũng từ đó dẫn đến việc sử dụng biện pháp tinh vi hơn để thu hồi nợ, đòi nợ dẫn đến cưỡng đoạt tài sản.
Có thể thấy rằng, cơ quan công an vào cuộc trong thời gian vừa qua đã phát hiện sai phạm cả đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức cho vay tài chính và cả cho vay cầm đồ. Các biểu hiện sai phạm tại các tổ chức cho vay này là gì?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Cho vay tiêu dùng hay cho vay cầm đồ đều có các quy định pháp luật để điều chỉnh. Trong đó, các công ty cho vay tài chính hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, còn cho vay cầm đồ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Những gì pháp luật không cấm và đủ điều kiện kinh doanh thì các tổ chức đó được hoạt động kinh doanh, dĩ nhiên họ phải chịu trách nhiệm với hoạt động của mình. Các sai phạm như thế nào thì chúng tôi sẽ tiếp tục có đánh giá nhưng có thể nói trong mỗi loại hình hoạt động đều tiềm ẩn các nguy cơ.
Cả nước hiện có 28.000 cơ sở cho vay cầm đồ, mức lãi suất cầm đồ quy định hiện nay là không được quá 20%/năm theo Bộ luật Dân sự nhưng khi thực hiện các giao dịch, bên cho vay có thể cài cắm nhiều khoản phí khiến người vay phải chịu lãi suất rất cao. Bản chất hoạt động cầm đồ không phải cho vay tín dụng "đen" nhưng đối tượng cho vay tín dụng "đen" lại lợi dụng hoạt động cầm đồ để hoạt động. Chưa kể, các đối tượng còn lợi dụng kẽ hở trong quy định pháp luật, đó là cho vay cầm đồ phải có tài sản để cầm cố nhưng tài sản đó có thể có chứng nhận sở hữu, có thể không. Ví dụ như có người mang dây chuyền ra tiệm cầm đồ chẳng hạn, thì không có quy định dây chuyền phải có chứng nhận sở hữu. Còn đối với các công ty cho vay tiêu dùng, về lãi suất là khá hợp lý và thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng việc đảm bảo vốn cho vay, thu hồi nợ còn có nhiều vấn đề…
Để phòng ngừa những nguy cơ này thì bên vay và cho vay phải hiểu rõ và thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong cam kết dân sự với nhau.
Một trong những hiện tượng nổi lên trong thời gian qua gây bức xúc cho người dân là việc thu hồi nợ, trong đó có nhiều biểu hiện đòi nợ kiểu khủng bố điện thoại người thân, tạt sơn… Có ý kiến cho rằng hoạt động đòi nợ thuê bị cấm từ khi có Luật Đầu tư nhưng không mất hẳn mà tồn tại trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, Trung tướng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Vấn đề này cũng đã được Bộ Công an nhận diện và đánh giá bản chất. Trong đó tại một số vụ án triệt phá trong thời gian vừa rồi cho thấy các tổ chức cho vay tiêu dùng đã lợi dụng vào việc thu hồi nợ để thuê các công ty luật tư vấn. Thực chất, các công ty luật chỉ được tư vấn luật nhưng họ lại trực tiếp đi đôn đốc để đòi nợ. Như vậy là lợi dụng việc tư vấn luật để đi thu hồi nợ trái pháp luật. Còn nếu như họ sử dụng các hành vi, thủ đoạn đe dọa hoặc các thủ đoạn khác để thu hồi tài sản bất hợp pháp thì đấy là chính là cưỡng đoạt tài sản.
Người cho vay cũng phải có trách nhiệm
Theo phản ánh của nhiều tổ chức cho vay tiêu dùng, trong hoạt động thu hồi nợ hiện nay đã những có quy định pháp luật cụ thể nhưng về mặt chế tài còn thiếu và yếu dẫn đến việc họ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Lực lượng công an có chức năng chính là phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, còn việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp là chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thông qua hoạt động của mình, chúng tôi thấy rằng khi một tổ chức cho vay thì phải đánh giá được khả năng trả nợ. Cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì phải có phương án cho vay và thu hồi nợ. Vay kinh doanh hay tiêu dùng thì phương án trả nợ là như thế nào? Không thể nào cho 1 người vay tiền mà không rõ người đó có thu nhập hay không và họ vay vì mục đích gì.
Cần phải xác định, tín dụng Nhà nước bao trùm lên tất cả người dân và quy định về việc cho vay là phải đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện như nào mới cho vay, chứ không phải ai cũng vay tiền được.
Thế nên Nhà nước mình đã có những quy định cho vay với nhiều đối tượng khác nhau và ai cũng có thể tiếp cận với tín dụng những cũng quy định rất rõ về việc cho vay là phải đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện như nào mới cho vay, chứ không phải ai cũng vay tiền được.
Thực tế, rất nhiều tổ chức cho vay mà không rõ được người vay ở đâu, giấy tờ thật giả thế nào vì họ thực hiện nghiệp vụ cho vay qua app, qua mạng Internet, đấy là thứ nhất. Thứ 2 nữa là phải biết được mục đích người ta vay để làm gì, có sử dụng tiền đúng mục đích không. Thứ 3 là khả năng chi trả thanh toán của người ta như thế nào. Những vấn đề đó, họ không đảm bảo được thì không chỉ tự mình làm khó mình mà tôi cho rằng họ đã không làm tròn trách nhiệm cho vay của mình.
Ở chiều ngược lại cũng thấy rằng đã có không ít đối tượng có chủ đích vay rồi trốn nợ?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Nếu một người vay nợ cho mục đích chính đáng nhằm giải quyết khó khăn trong một giai đoạn nhất định về kinh tế thì họ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ để trả nợ. Nếu không trả thì có thể giải quyết tranh chấp về dân sự tại toà án. Còn nếu có ý định từ trước vay nợ cố tình không trả là vi phạm pháp luật rồi, là hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối với vấn đề này như tôi vừa vừa nêu ở trên thì các tổ chức cho vay cũng phải có trách nhiệm để mà phòng ngừa.
Cảnh sát hình sự là lực lượng chủ công trong việc trấn áp, triệt phá nhiều vụ án liên quan đến tín dụng "đen" trong nhiều năm qua, ở góc độ thực thi quy định pháp luật, theo Trung tướng còn có những vấn đề gì bất cập hạn chế trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng mà có thể dẫn đến những khó khăn của lực lượng chức năng trong việc đảm bảo an toàn trật tự xã hội?
Trung tướng Trần Ngọc Hà: Theo tôi có 2 vấn đề, thứ nhất là mức lãi suất trong hoạt động cho vay. Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20% năm. Tuy nhiên mức lãi suất để bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi là 100%/năm tức gấp 5 lần mức lãi suất cho vay được chấp nhận theo Bộ luật Dân sự. Vì có biên độ rất lớn nên đó cũng là kẽ hở đến cho các đối tượng hoạt động. Do đó cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để sửa đổi, bổ sung nội dung này.
Thứ hai, những quy định của mình trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong hoạt động vay và cho vay cần chặt chẽ hơn. Đối với một số nước mà chúng tôi đã tham khảo thì thấy họ quy định người vay bắt buộc phải có các điều kiện về tài sản để đảm bảo thanh toán khoản vay. Chẳng hạn hoạt động cầm đồ còn có tài sản có đảm bảo để cho vay. Còn nếu cho vay ở góc độ tín chấp thì hoàn toàn là người cho vay, mấu chốt quan trọng nhất là người cho vay có quyền cho vay hoặc không cho vay. Các tổ chức cho vay phải tiếp cận ở góc độ ấy chứ không thể nào cho vay để rồi không biết được người ta vay làm gì, có khả năng chi trả hay không rồi dùng các biện pháp ép người ta phải trả thì là vi phạm pháp luật.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Vụ tội phạm núp bóng công ty tài chính tại Tiền Giang có 3 triệu bị hại
Chiều ngày 18/4, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, trong vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP.HCM), đến nay Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can 60 đối tượng. Có 415 người liên quan vụ án đều bị cấm xuất cảnh, riêng 400 người trực tiếp tham gia hành vi đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn đang bị điều tra về dấu hiệu phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo Công an tỉnh Tiền Giang, đây là vụ án mà tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật; ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Đáng chú ý, vụ án này có tới 3 triệu bị hại, số tiền các bị can đã đòi nợ, cưỡng đoạt đến thời điểm điều tra hơn 1.000 tỷ đồng sẽ được kiến nghị thu hồi và xem là tang vật vụ án.