Cụ ông 82 tuổi phục hồi ngoạn mục sau cú ngã gãy cột sống cổ

Gãy cột sống cổ, đặc biệt là các đốt sống cổ cao là một trong những tổn thương nghiêm trọng sau chấn thương, nguy cơ tổn thương tuỷ dẫn đến yếu liệt, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.

Ngày 27/3, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á 2 cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật cứu sống cụ ông 82 tuổi lái xe máy té xuống ruột gãy cột sống cổ.

Theo đó, trong lúc chạy xe máy từ ruộng về nhà, ông N.V.T (82 tuổi, huyện Củ Chi) đã bị té xuống ruộng gây gãy đốt sống cổ. Ông được người nhà đưa tới Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng bất tỉnh, có vết thương trầy xước vùng đầu, chảy máu vùng trán và đau nhiều vùng cổ.

Ngay lập tức, ông đã được các bác sĩ tiến hành sơ cứu vết thương và chỉ định chụp CT scan. Kết quả phát hiện ông T. bị gãy đốt sống cổ C1, C2, không ghi nhận tổn thương vùng sọ não.

Trước bệnh cảnh này, các bác sĩ khoa Sọ não Cột sống 2 đã tư vấn kỹ lưỡng với người nhà bệnh nhân về phương án phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít cột sống cổ lối sau để cố định cột sống cổ. Phương pháp này sẽ giúp tránh tổn thương thần kinh cũng như giúp người bệnh phục hồi, sớm có thể trở lại sinh hoạt, lao động bình thường, tránh tê liệt về sau.

Hình ảnh cột sống cổ bị gẫy trên phim chụp - Ảnh BVCC

ThS.BS. Trần Vũ Hoàng Dương, Trưởng khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Bệnh nhân bị gãy đốt sống cổ vùng thân sống và mảnh sống C2 với nhiều mảnh rời, gãy mỏm gai C1 khiến người bệnh đau nhiều vùng cổ, nhưng may mắn là không có biến chứng thần kinh.

Gãy cột sống cổ, đặc biệt là các đốt sống cổ cao (phần nằm sát hộp sọ) là một trong những tổn thương nghiêm trọng sau chấn thương, nguy cơ tổn thương tuỷ dẫn đến yếu liệt, thậm chí ảnh hưởng tính mạng nếu không được xử trí ban đầu và điều trị đúng cách.

Trường hợp gãy phối hợp cùng lúc C1- C2 (2 đốt sống đầu tiên của cột sống cổ) là một bệnh cảnh phức tạp. Vị trí này liên quan đến rất nhiều cấu trúc mạch máu quan trọng.

Kiểm tra cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Ngoài ra, tình trạng gãy sẽ làm di lệch các thành phần giải phẫu thông thường. Các cấu trúc ở đoạn này rất tinh vi, việc phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao, tính bằng mm nhằm tránh các tổn thương gây chèn ép tủy”.

Chỉ 2 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh và không còn cảm giác đau cổ. Qua ngày thứ 2, bệnh nhân đã có thể tự vận động ngồi dậy, đi đứng, sinh hoạt như bình thường.

Sự hồi phục nhanh chóng của một chấn thương phức tạp ở người cao tuổi như trường hợp ông T. đã cho thấy vai trò quan trọng của việc cấp cứu kịp thời, sự phối hợp các chuyên khoa chặt chẽ trong cùng bệnh viện để đưa ra một phác đồ điều trị chính xác, nhanh chóng.

Thúy Nga