Trước hết, cần xác định xem thời điểm xảy ra sự việc, viên CSGT có mặt tại hiện trường có công cụ hỗ trợ, cụ thể là súng, súng bắn đạn cao su hay công cụ đủ để trấn áp đối tượng không.
Bởi lẽ, nếu CSGT có súng là câu chuyện khác và không có súng lại là câu chuyện khác. Những ngày qua khi đọc thông tin tôi được biết, viên CSGT chỉ được trang bị một cây gậy và đang tuần tra ở gần đấy, nhận được tin báo thì chạy đến. Nếu trong trường hợp CSGT có súng thì rõ ràng người này đã vi phạm Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
- Cụ thể ở điều luật này quy định thế nào, thưa luật sư? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào?
Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về Tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, trong khi bản thân có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Như vậy, có thể thấy điều luật quy định ở đây vấn đề là “có điều kiện”.
Vậy như thế nào là "có điều kiện"? Điều kiện ở đây được hiểu là khả năng của bản thân cũng như các điều kiện hoàn cảnh cụ thể bên ngoài hoàn toàn cho phép và có khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Và việc cứu giúp cũng không gây nguy hiểm cho bản thân với những người khác, nhưng người ta không cứu giúp.
Ngoài ra, còn có trường hợp người có điều kiện cứu giúp đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả hoặc trường hợp tuy người đó không cứu giúp nạn nhân nhưng vì một nguyên nhân nào đó nạn nhân không chết.
Như vậy, nếu được trang bị súng mà CSGT không bắn nam thanh niên thì rõ ràng người này đã vi phạm. Nếu như anh CSGT không có súng mà chỉ có gậy và thanh niên kia có dao thì vấn đề có thể phải xem xét lại.
- Luật sư có bình luận gì về việc CSGT và người dân đứng nhìn, quay video, bỏ mặc cô gái bị đâm? Liệu điều đó có sự thờ ơ, vô cảm không?
Theo tôi được biết thì anh CSGT cũng đã bị đơn vị yêu cầu viết bản tường trình. Trong bản tường trình, anh này trình bày rằng có tiếp cận Nghị (nghi can đâm chết cô gái) 2 lần để khuyên ngăn nhưng đối tượng vẫn rất liều lĩnh và hung hãn. Đó là lý do người CSGT này đã lùi ra ngoài gọi điện cho lực lượng 113 tới hiện trường để hỗ trợ xử lý.
Về chủ quan, tôi có thể cảm nhận trong trường hợp này anh CSGT không được trang bị súng, chứ nếu có súng mà anh không bắn đối tượng thì quả là vô cảm. Riêng bản thân tôi chỉ xem được một đoạn clip ngắn, không biết chính xác chi tiết của sự việc thế nào nên tôi không thể khẳng định CSGT và người dân vô cảm.
- Theo luật sư, nguyên nhân vì sao CSGT và người dân lại không có hành động cứu giúp nạn nhân?
Như đã nói ở trên, do bản thân tôi hoặc những người sau khi xem clip chỉ xem được đoạn sau mà không xem đoạn trước, vì thế phê phán và lên án người khác là vô cảm là điều không nên.
Nếu cho rằng anh CSGT và người dân đã vi phạm Điều 132 thì không đúng với nghề nghiệp của một luật sư. Để kết tội một người khác thì cần phải có một bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu giả sử là CSGT hoặc người dân vô cảm thì cũng xuất phất từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sợ liên lụy đến bản thân.
Chắc hẳn húng ta vẫn chưa quên về những "hiệp sĩ" vì bắt cướp mà hy sinh ở TP HCM hay như thiếu tá Lê Minh Chánh (Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) nổ súng để cứu cháu bé sơ sinh nhưng bị quy kết là nổ súng không đúng quy định từ đó dẫn đến tâm lý lo sợ của người dân.
|
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng nếu CGST có súng mà không bắn thì đã vi phạm Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). |
Nếu CSGT bắn hoặc người dân đánh chết nghi can thì có vi phạm pháp luật
- Theo luật sư, trong trường hợp này, nếu CSGT dùng súng bắn chết nghi can, hoặc người dân dùng đá, hay vật dụng gì đó tấn công nghi can nhằm cản trở hành vi đâm cô gái nhưng làm chết người thì bị xử lý thế nào?
Tôi vẫn khẳng định nếu CSGT có súng mà không nổ súng thì rất đáng để phê phán. Việc nổ súng và nguyên tắc khi nổ súng được quy định tại khoản 2, Điều 22, Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc: chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay. Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên...
Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định các trường hợp được nổ súng: Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác. Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Chúng ta cũng có thể kể đến tại Điều 23 Bộ luật hình sự quy định tình thế cấp thiết. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Giả sử CSGT và người dân lấy đá ném trúng đối tượng nguy hiểm và làm cho đối tượng chết thì sao? Rõ ràng trong trường hợp này người ném đá lại phải chịu trách nhiệm hình sự bởi cô gái chưa chết nhưng người dân đã làm cho đối tượng nguy hiểm chết?
- Luật sư có lời khuyên gì cho tình huống tương tự để cứu được người và không vi phạm pháp luật?
Kinh nghiệm cuộc sống dạy cho tôi một điều là muốn cứu người thì bản thân phải mạnh hơn người khác. Nếu cứu mà để chết như các hiệp sỹ ở TP HCM hoặc để cộng đồng chỉ trích như anh Chánh ở Phú Quốc thì chắc có lẽ tôi cũng không cứu.
Nhiều người nói là “ Tôi dám cứu", nhưng nếu bạn có ở hiện trường thì bạn có dám lao vào cứu không khi sau lưng bạn còn có cả gia đình, khi bạn biết chắc bạn sẽ thua đối phương? Bạn có thể không tiếc tính mạng bạn, nhưng bạn có nghĩ đến tính mạng cô gái đó không, khi mà lao vào thì với một kẻ hung hăng như thế, tính mạng cô gái liệu còn mấy phần trăm sống?
Khi xem các tình huống giải cứu con tin ở nước ngoài, dù có mấy trăm cảnh sát bao vây xung quanh, súng bắn tỉa đầy đủ, nhưng giải pháp thương lượng được đặt lên hàng đầu và chỉ khi hết cách người ta mới dùng vũ lực như một hạ sách. Do đó, tùy từng trường hợp mà chúng ta hành xử với nhau một cách không trái lương tâm và pháp luật.
Xin cảm ơn luật sư!