Sáu nhóm ngành có nguy cơ lây nhiễm cao
Theo dự thảo thông tư do Bộ Y tế xây dựng, bệnh COVID-19 được định nghĩa là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với COVID-19.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Các nghề nằm trong danh mục được xếp vào nhóm có nguy cơ cao và được hưởng chính sách trên gồm: Người làm việc tại cơ sở y tế; người làm trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu virus SARS-CoV-2; người làm công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; người làm công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19; người làm công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm COVID-19.
Hồ sơ hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp với chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.
BHXH Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu bổ sung cơ chế quản lý, để nếu chính sách được ban hành thì đồng thời đạt được hai yêu cầu đó là đảm bảo quyền lợi chính đáng và xác định đúng người được hưởng chế độ.
Cạnh đó, người bệnh cần kèm theo biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2, hoặc văn bản cử đi tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu. Các văn bản này thay thế kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.
“Những người làm nghề trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 trong thời gian từ ngày 1-2-2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định…” - dự thảo thông tư của Bộ Y tế nêu rõ.
Cần đánh giá lại nguồn quỹ
Góp ý cho đề xuất này, BHXH Việt Nam cho rằng COVID-19 không thực sự đặc trưng cho một nghề hay một nhóm nghề như các bệnh nghề nghiệp khác. COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm rất nhanh trong nhiều môi trường tiếp xúc, ở trong bất cứ ngành nghề, công việc, khu vực nào cũng có thể lây nhiễm.
Nên người lao động thuộc sáu nhóm ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao nêu trên có thể bị lây nhiễm ngoài môi trường làm việc. Trong khi phạm vi các ngành nghề nguy cơ lây nhiễm cao khá rộng nên khả năng xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách là có.
Về khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, BHXH Việt Nam cho biết theo thống kê mới nhất (ngày 5-4-2022), mức hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần bình quân là 51,5 triệu đồng/người với tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh, tật bình quân là 10,65%. Mức hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng bình quân là 1,07 triệu đồng/người/tháng với tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh, tật bình quân là 37,09%.
Về độ tuổi bắt đầu hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp, BHXH Việt Nam cho rằng thường là 46 tuổi. Với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi thì thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng bình quân của một người là 27,6 năm, khá dài (dài hơn thời gian hưởng lương hưu bình quân) tương ứng với số tiền chi trả lớn. Ngoài ra, trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động còn được trợ cấp bằng 36 tháng lương cơ sở (mức hiện hành là 53,64 triệu đồng).
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng không có báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này nên cần phải được bổ sung để làm căn cứ xem xét, điều chỉnh chính sách. Bởi chính sách hiện hành được xây dựng trong điều kiện bình thường, tốc độ gia tăng bình quân các năm ở mức ổn định.
“Thực tế hiện nay triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ, số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong thời gian từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022 đã giảm trên 4,3 ngàn tỉ đồng, việc đánh giá tác động về khả năng cân đối của quỹ là thật sự cần thiết…” - BHXH Việt Nam cho hay.
Tỉ lệ tổn thương do COVID-19 được tính ra sao?
Bộ Y tế cho biết người bị bệnh COVID-19 áp dụng tỉ lệ tổn thương cơ thể ở các cơ quan, bộ phận tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013 của bộ trưởng Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư liên tịch quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.