COVID-19: Mở cửa dần, sống an toàn với dịch

"Cả thế giới đều có dịch và, các nước đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế khi có vắc-xin. Chúng ta không thể cứ mãi “be bờ” được, mà buộc lòng phải mở cửa, phục hồi lại các hoạt động kinh tế như thế giới đang làm”, GS, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Giải pháp ứng phó mới, chiến lược mới

Để ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, theo ông, liệu có phải đã đến lúc chúng ta cần thu hẹp dần phong tỏa, nới lỏng giãn cách, hồi phục sản xuất, kinh doanh?

Chúng ta đều biết, tình hình dịch bệnh đã diễn ra gần hai năm trên toàn thế giới. Nhiều nước cũng tiến hành phong tỏa cả năm trời, nhưng cũng không thể loại bỏ được COVID-19. Các nước cũng phải chấp nhận sống chung với dịch.

Việt Nam cũng thực hiện chiến lược “be bờ”, ngăn chặn không cho dịch tràn vào trong nước. Cả thế giới đều có dịch và họ đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế khi có vắc-xin. Chúng ta không thể cứ “be bờ” mãi được, mà buộc lòng phải mở cửa, phục hồi lại các hoạt động kinh tế như thế giới đang làm. Về chiến lược, Chính phủ đã xác định, không thể khống chế tuyệt đối dịch, phải sống chung với dịch một cách an toàn.

Trong cả năm 2020, chúng ta chống dịch khá an toàn, hiệu quả, không phải cách ly nhiều. Nhưng sang năm nay, nhiều địa phương phải phong tỏa, cách ly, dài nhất như TPHCM tới 4 tháng, một số địa phương khác cũng khoảng 2 tháng. Trong thời gian này, chúng ta đã thấy nền kinh tế nguy kịch như thế nào. Rõ ràng không thể theo đuổi mãi con đường này được và buộc phải nghĩ đến giải pháp ứng phó mới, chiến lược mới.

Vậy theo ông, cần làm gì và giải pháp nào quan trọng nhất để đạt được mục tiêu này?

Trước tiên, để sống chung an toàn được, chúng ta phải có vũ khí để phòng dịch. Vũ khí hữu hiệu nhất là vắc-xin và thực hiện nghiêm quy định “5K”. Về chiến lược vắc-xin, chúng ta đang triển khai rất tích cực, hiệu quả, đã đẩy được tốc độ tiêm chủng khá tốt. Đến cuối năm, lượng vắc-xin sẽ về tương đối nhiều, rồi vắc-xin sản xuất trong nước cũng có nhiều hứa hẹn. Người dân sẵn sàng tiêm vắc-xin, chứ không có hiện tượng cực đoan, phản đối tiêm như ở các nước. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có những điều kiện để sớm gỡ bỏ phong tỏa, cách ly, giãn cách, quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, đã chấp nhận sống chung với dịch, phải sẵn sàng tâm thế dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Về phía người dân, cộng đồng, phải luôn trong trạng thái phòng dịch, từ bỏ tất cả những thói quen, hoạt động có nguy cơ lây lan dịch. Còn về phía nhà nước, ngay việc phòng dịch cũng phải gắn trách nhiệm với từng cơ quan, đơn vị. Để có được hoạt động an toàn, cần được tổ chức theo phương thức an toàn, ít tập trung đông người, có giãn cách.

Đặc biệt, nếu có trường hợp F0 xảy ra, thì hoạt động ở cơ quan, đơn vị đó vẫn diễn ra bình thường và chỉ khoanh vùng, xử lý trong diện hẹp, chứ không như trước đây, cứ có dịch là đóng cửa cả nhà máy, đơn vị. Bên cạnh đó, phải có các điều kiện, phương tiện y tế cũng như các phương thức, phác đồ chăm sóc, điều trị phù hợp. Bài học từ TPHCM cho thấy, việc tổ chức, chăm sóc cho người nhiễm ngay tại cộng đồng, gia đình rất quan trọng, chứ không nhất thiết cứ dồn hết vào nơi cách ly tập trung được. Nếu làm tốt được các giải pháp đề ra, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phục hồi, còn dịch bệnh chúng ta vẫn chủ động phòng tránh.

Đừng cố truy tìm F0 trong cộng đồng

Bên cạnh việc phong tỏa, cách ly, nhiều ý kiến cũng phản ánh tình trạng xét nghiệm nhiều chỗ được cho là tràn lan có thể gây lãng phí. Ông thấy sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, xét nghiệm là cần thiết để rà soát, khoanh vùng, phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm ở những nơi có nguy cơ. Khi phát hiện ra ca bệnh, chúng ta phải xét nghiệm, sàng lọc, khoanh vùng đó, bóc tách được đối tượng lây nhiễm để đưa ra phương án xử lý kịp thời.

Thế nhưng, việc xét nghiệm tràn lan trên diện rộng để cố tìm ra những trường hợp F0 trong cộng đồng, tôi cho rằng như thế không hiệu quả. Vì có thể ngày hôm nay chúng ta tiến hành xét nghiệm 100% dân số và không có ca nhiễm nào. Nhưng chỉ cần mở cửa vài ngày sau, lại có thể xuất hiện F0. Như vậy chúng ta không thể cứ vòng đi vòng lại xét nghiệm như thế được. Đã xác định sống chung với dịch một cách an toàn, chấp nhận có dịch tồn tại, thì lúc nào cũng phải xác định ở đâu đó, ở người nào đó có vi rút này.

Còn chi phí, rõ ràng lượng tiền bỏ ra rất lớn. Với số lượng mẫu xét nghiệm có khi hàng trăm ngàn người mới phát hiện được một ca. Chi phí để tìm ra một F0 có thể lên đến hàng tỷ đồng như vậy là không cần thiết. Hãy dành nguồn lực ấy cho việc khác hiệu quả hơn, nếu phát hiện người lây nhiễm thì khoanh vùng lại ngay, sàng lọc diện hẹp để đưa ra giải pháp điều trị, không nên cố đi tìm cho bằng được F0 như trước nữa.

Cùng với miễn, giảm thuế, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo ra dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp là điều rất quan trọng, vì thế Chính phủ cần xem xét để ngân hàng có gói hỗ trợ về lãi suất. Quan điểm của ông ra sao?

Miễn, giảm thuế chỉ giúp cho doanh nghiệp bớt đi gánh nặng trong lúc đang khó khăn bởi dịch bệnh chứ chưa tạo ra được nguồn lực cho họ. Muốn doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì nguồn vốn là hết sức quan trọng để họ duy trì hoạt động, phục hồi kinh tế. Huy động vốn là cần thiết, nhưng khả năng để họ trả được lãi suất vay là rất khó khăn. Cho nên đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp rất đúng đắn, thiết thực. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng lại thuộc về kinh doanh, vì khi huy động, họ phải trả lãi tiền gửi và khi cho vay, họ phải thu lại. Do vậy, để áp dụng lãi suất thấp, thậm chí bằng không, cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng cách sử dụng các quỹ hỗ trợ để cấp bù lãi suất cho ngân hàng.

COVID-19: Mo cua dan, song an toan voi dich
 GS Hoàng Văn Cường

Bên cạnh vấn đề lãi suất, thời hạn vay với doanh nghiệp rất quan trọng. Không phải tất cả các khoản vay đó, doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh và thu hồi được ngay. Thậm chí họ còn chưa biết được dòng tiền ngày hôm nay đầu tư vào, sáu tháng, hay một năm sau đã thu hồi được hay chưa. Vì thế, bên cạnh giảm lãi suất, cũng phải thay đổi thời hạn cho vay, không nên ấn định thời hạn cụ thể mà nên cho vay theo các dự án. Khi nào doanh nghiệp cần dòng tiền đó thì ngân hàng giải ngân theo hợp đồng và khi hoạt động sản xuất kinh doanh đó tạo ra sản phẩm, nguồn tiền đó quay trở lại trả cho ngân hàng.

Nghĩa là phía ngân hàng với doanh nghiệp phải bắt tay, đồng hành với nhau trong các dự án đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không chịu áp lực thời hạn trả nợ, đồng thời cũng giúp ngân hàng chắc chắn những khoản đầu tư của mình vào đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Đặc biệt, cần tránh tình trạng hạ lãi suất, nhưng dòng tiền không vào được các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang cần thực sự, mà lại đổ vào bất động sản, chứng khoán.

Tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, nguồn ngân sách dự phòng của Nhà nước đã hết, trong khi nhu cầu chi cho phòng, chống dịch còn rất lớn. Ông có hiến kế giải pháp gì để có thêm nguồn lực cho phòng, chống COVID-19?

Đúng như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, phần quỹ dự phòng trung ương đã dùng hết cho phòng chống dịch, bây giờ phải lấy từ các nguồn khác bù vào. Rõ ràng chúng ta phải cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, trước hết là tiết kiệm chi thường xuyên. Bởi khi có dịch, nhiều hoạt động thường xuyên không được diễn ra, như hội họp, hội nghị, hội thảo, đi công tác…được giảm đáng kể. Các khoản đó cắt giảm triệt để, tối đa, dành tiền cho phòng, chống dịch.

Nhưng để có thêm nguồn lực, không phải chỉ Nhà nước mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội. Việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, bất kể cơ quan, tổ chức nào cũng phải dành nguồn lực này cho phòng, chống dịch. Như vậy chúng ta sẽ tạo ra nguồn lực của cả xã hội cho phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, theo tôi, cần rà soát lại các dự án đầu tư, nếu dự án nào không mang lại hiệu quả, chưa cần thiết, phải tạm lùi lại, dồn tiền cho những công trình, dự án thực sự cần thiết, cấp bách, có hiệu quả nhanh. Đặc biệt phải tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, qua đó sẽ tiết kiệm được nguồn tiền lớn chuyển sang cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Luân Dũng/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN