Cơn ác mộng của người đàn ông 2 lần bị lưỡi cưa cắt "đứt" tay

Một tai nạn nguy hiểm đã xảy ra tại xưởng kính thủ công, khi một chiếc máy cắt kính đang vận hành bất ngờ trục trặc, văng lưỡi cưa ra ngoài, đâm trúng vùng cẳng tay của người lao động.

Chưa khỏi vết thương cũ lại thêm vết thương mới nguy kịch

Điều đáng nói, chỉ vài ngày trước đó, người bệnh này vừa mới hồi phục sau một tai nạn tương tự.

Vào buổi sáng đầu tuần, tại một xưởng cắt kính tại nhà, anh Đ. (41 tuổi) đang thao tác với máy cắt kính như thường lệ. Không ai ngờ được rằng, chỉ một phút lơ là, chiếc máy đột ngột rung mạnh. Sau đó, lưỡi cưa sắc bén văng ra với tốc độ cao, găm thẳng vào cả hai cẳng tay anh.

Anh Đ. được đưa đến Trung tâm Y tế trong tình trạng vết thương phức tạp 1/3 giữa cẳng tay hai bên, do lưỡi máy cắt kính gây ra. Vết rách dài khoảng 10cm, sâu khoảng 2cm, chảy máu nhiều, lộ tổ chức cơ, mỡ, nguy cơ tổn thương mạch máu và gân. Người bệnh đau nhiều, hạn chế vận động bàn tay.

Ngay sau khi tiếp nhận trường hợp của anh Đ., ê-kíp bác sĩ khoa Ngoại tiến hành cầm máu chủ động, kiểm tra tuần hoàn – thần kinh ngoại vi hai chi. Làm sạch vết thương nhiều lần, loại bỏ dị vật. Khâu phục hồi từng lớp cân cơ, tổ chức dưới da và da.

Tiêm phòng uốn ván, sử dụng kháng sinh phổ rộng, giảm đau, bất động tạm thời hai cẳng tay. Chụp X-quang kiểm tra nguy cơ tổn thương xương và dị vật kim loại.

“Bệnh nhân có nguy cơ mất chức năng vận động nếu không được xử trí kịp thời. Điều lo ngại hơn là vết thương cũ vừa mới hồi phục, chưa đầy một tuần. Cú sốc này khiến mô sẹo có nguy cơ vỡ lại, dẫn đến nhiễm trùng chéo và biến chứng nặng”, BS Hoàng Dũng, Trưởng khoa Ngoại chia sẻ.

Sau gần 60 phút xử trí khẩn trương, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định. Sau 4 ngày điều trị tích cực, vết thương khô, không còn dịch, chức năng vận động dần phục hồi.

Cơn ác mộng của người đàn ông 2 lần bị lưỡi cưa cắt "đứt" tay - Ảnh BVCC

Cảnh báo từ sự chủ quan và hệ thống an toàn bị bỏ quên

BS Hoàng Dũng khuyến cáo, vụ tai nạn không chỉ là lời cảnh tỉnh về sự chủ quan trong an toàn lao động, mà còn cho thấy hệ thống máy móc cũ kỹ, thiếu kiểm định định kỳ tiềm ẩn rủi ro chết người. Anh Đ. là minh chứng sống cho việc chỉ một khoảnh khắc lơ là, cả sức khỏe và sinh kế có thể rơi vào vòng nguy hiểm.

Không có vết thương nào là "nhẹ" nếu nó xuất hiện lần hai tại cùng một vị trí. Hệ thống máy móc phải được bảo trì thường xuyên, đúng chuẩn an toàn. Người lao động cần được huấn luyện kỹ năng sơ cứu, ứng phó tai nạn. Cơ sở y tế tuyến đầu phải sẵn sàng xử lý tình huống cấp cứu phức tạp.

Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại và cấp cứu luôn được huấn luyện định kỳ kỹ thuật xử lý chấn thương – vết thương phức tạp, với sự hỗ trợ đầy đủ từ hệ thống phòng mổ vô khuẩn, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm thiểu tối đa biến chứng sau chấn thương, giữ lại chức năng vận động cho người bệnh.

Tai nạn lao động có thể xảy ra bất kỳ lúc nào – đừng chủ quan với các vết thương “nhìn đơn giản”.

Hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức khi bị thương sâu, chảy máu nhiều, hoặc tổn thương vùng chi – vì mỗi phút chậm trễ đều có thể trả giá bằng cả chức năng hoặc tính mạng.

Thúy Nga