Trong hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2019, dư luận đặc biệt quan tâm đến nghị định 54/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ có hiệu lực từ 1/9 với cả người Việt Nam, nước ngoài. Bởi tại nghị định 54, một quy định đang gây nhiều ý kiến trái chiều chính là việc các nhân viên phục vụ tại quán karaoke, vũ trường, chủ cơ sở phải cung cấp trang phục, biển tên cho họ...
Hiện cả nước có khoảng 17.321 cơ sở kinh doanh karaoke, 77 vũ trường, quán bar được cấp phép hoạt động. Trong đó, vì lợi nhuận không ít chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này đã có những hoạt động biến tướng như sử dụng nhân viên tay vịn ăn mặc hở hang, thoát y, kích dục, môi giới mại dâm, ma túy, rượu lậu, sử dụng băng đĩa hình có nội dung xấu nhằm kích động bạo lực, khiêu dâm… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, lối sống của giới trẻ, tạo ra nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, công an các tỉnh thành trên cả nước đã mở nhiều đợt truy quét các quán kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Kết quả khiến không ít người giật mình khi phát hiện có quán đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng dương tính với ma túy đang nhảy múa, thác loạn, có cơ sở hoạt động massage, kích dục trá hình, thoát y, thác loạn tập thể…
|
Ảnh minh họa. |
Dù biết rõ những hoạt động trá hình, biến tướng thường xuyên diễn ra tại các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc quản lý loại hình kinh doanh này. Một phần nguyên nhân do một số quy định về hoạt động karaoke, vũ trường đã không còn phù hợp.
Bởi vậy việc quản lý lĩnh vực kinh doanh này là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả, không cản trở hoạt động kinh doanh và lành mạnh hóa lĩnh vực này. Do vậy, nghị định 54 trong đó có quy định nhân viên phục vụ mỗi phòng hát chỉ một người, phải đeo thẻ ghi rõ họ tên và mặc trang phục phù hợp… được cho là cần thiết để quản lý chặt chẽ hơn loại hình dịch vụ vốn được coi là đặc thù, nhạy cảm này. Đồng thời, quy định cho thấy sự rõ ràng, minh bạch đối với các cơ sở kinh doanh.
Khi quy định này có hiệu lực sẽ buộc các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar phải sử dụng nhân viên cơ hữu thay vì thuê nhân viên hợp đồng theo giờ. Đồng thời, quy định mỗi phòng hát một nhân viên phục vụ cũng sẽ làm giảm đi những biến tướng.
Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết còn thực tế quy định này có được thực hiện nghiêm túc và có khả thi hay không phần lớn dựa vào sự thực thi nghiêm túc của lực lượng chức năng và sự chấp hành của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Thực tế, vào giữa năm 2018, các cơ quan chức năng TP HCM đã kiểm tra, xử lý hàng loạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán karaoke, quán bar, quán massage sau khi báo chí phản ánh. Quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm như kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép; sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng theo quy định; dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại nhà hàng karaoke…và tiến hành xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, có cơ sở bị kiểm tra hàng chục lần bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng nhưng sau đó vẫn tái phạm. Hơn nữa, lực lượng chức năng cũng thừa nhận khó phát hiện hành vi tổ chức cho nhân viên thoát y nhảy múa phục vụ khách do các cơ sở kinh doanh đối phó tinh vi, luôn cảnh giới với các lực lượng kiểm tra.
Ví dụ điển hình như trên để có thể thấy, quy định nhân viên đeo biển tên hay không thì cũng khó để ngăn chặn những biến tướng khi chủ cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm.
Một khó khăn khác, khi hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường nếu nhạy cảm, biến tướng thì các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, dù thẩm quyền thanh tra, kiểm tra kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có sự tham gia của rất nhiều ban ngành là cơ quan thanh tra có liên quan đến quản lý kinh doanh dịch vụ của các ngành VHTTDL, Lao động - Thương binh và Xã hội, công an... tuy nhiên, những vi phạm trên vẫn xảy ra.
Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng lực lượng chức năng địa phương có thực hiện nghiêm vai trò thanh tra giám sát hay buông lỏng quản lý, thậm chí bảo kê cho những sai phạm tại những cơ sở kinh doanh này?
Trong khi đó, đối với các cơ sở kinh doanh không lành mạnh, người quản lý, người đứng đầu coi thường pháp luật, bất chấp pháp luật thì dù có đeo biển hiệu, có mặc quần áo lịch sự chăng nữa... sau đó nhân viên vẫn có thể thoát y, vẫn có thể thực hiện các hoạt động khiêu dâm, kích dục, thậm chí bán dâm... Khi quần áo còn có thể cởi bỏ thì biển hiệu sẽ không là gì, họ sẽ sẵn sàng trút bỏ tất cả để thác loạn... Bởi vậy, quy định nhân viên phải đeo biển hiệu là không có tính khả thi.
Nhận định về việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong nghị định số 54/2015/NĐ-CP có hiệu lực tới đây thì quy định nhân viên phải đeo biển hiệu nhằm hạn chế tình trạng dân viên thoát y, kích dục là không khả thi.
“Trong lĩnh vực vui chơi, giải trí thì anh mặc quần áo, trang phục sao cho phù hợp, không có khiêu dâm, kích dục nhưng cũng không nghiêm túc như cán bộ công sở. Bởi vậy việc đeo biển hiệu là không hợp lý và không ngăn chặn, giảm bớt được tình trạng thoát y...”, Luật sư Cường cho biết.
Để kiểm soát, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp thoát y, kích dục, lợi dụng hoạt động hát karaoke để hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm thì cần phải đưa ra những quy định cụ thể, có tính chất khả thi và cần có những chế tài cụ thể, nghiêm khắc như việc xử lý nghiêm với chủ cơ sở và người quản lý, nhân viên vi phạm, tăng cường mức chế tài đặc biệt là áp dụng triệt để biện pháp hành chính là đình chỉ hoạt động, tức giấy phép và phạt tiền ở mức cao...
Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết các quy định về chấp hành pháp luật. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn bảo kê, bao che cho hoạt động này... Hình thức cấm đoán hoặc đưa ra các quy định không có tính khả thi, mang nặng tính hình thức đều phản tác dụng, có thể dẫn đến tình trạng nhờn luật, coi thường pháp luật và những vi phạm sẽ càng gia tăng.