Cơ chế xin - cho và 'luật bất thành văn'

Bằng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, nhiều quan chức, cán bộ đã nhũng nhiễu doanh nghiệp, tạo ra cơ chế xin cho với luật bất thành văn mang tên phong bì.

Vấn nạn phong bì

Đại án 'chuyến bay giải cứu' tạm khép lại giai đoạn sơ thẩm, bằng việc TAND TP. Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo. Trong số này, 21 người là cựu quan chức, cán bộ các bộ, ngành, địa phương cùng phạm tội nhận hối lộ; 23 người là đại diện các doanh nghiệp cùng phạm tội đưa hối lộ.

Theo cáo buộc, quá trình thực hiện cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhóm cựu quan chức đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhận hối lộ hơn 500 lần với tổng số tiền gần 165 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, để được tổ chức chuyến bay, nhóm doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 400 lần, với tổng số tiền tương ứng.

Vụ án gây phẫn nộ dư luận, không chỉ bởi quy mô, tính chất, mức độ hành vi phạm tội, mà còn phơi bày một thực trạng nhức nhối về tiêu cực, đó là cơ chế xin - cho và "luật bất thành văn" mang tên phong bì.

Co che xin - cho va 'luat bat thanh van'-Hinh-3

Các bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu". Ảnh: CTV

Việc đưa và nhận hối lộ giữa đại diện doanh nghiệp và quan chức đã quá rõ, không cần bàn cãi, bởi suốt quá trình xét xử các bị cáo đều thừa nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng. Thế nhưng, lời khai từ các bị cáo là đại diện doanh nghiệp cho thấy một dấu chấm hỏi lớn: đằng sau hành vi "đi đêm" là gì?

Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, là một trong những người đưa hối lộ nhiều nhất. Ông Sơn dành tới hơn 38,5 tỷ đồng để "bôi trơn" cho cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành, để được cấp phép 109 chuyến bay. Đứng trước tòa, ông Sơn nói sở dĩ doanh nghiệp đưa hối lộ là do bị những người có chức quyền o ép, gợi ý, điều này đã thể hiện rõ trong bản cáo trạng cũng như bản luận tội của viện kiểm sát. Riêng với Công ty Bluesky, 80% chuyến bay phải bỏ tiền "chung chi". "Ai là người được hưởng lợi, doanh nghiệp hay là ai? Vụ án này, doanh nghiệp của bị cáo vừa là người vi phạm những cũng vừa là người bị hại, là nạn nhân của cơ chế xin - cho, của văn hóa phong bì, của sự thiếu hiểu biết về pháp luật", ông Sơn phân trần.

Cấp phó của ông Sơn là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, thì nhắc đến gần 30.000 công dân được về nước trên các chuyến bay do công ty thực hiện, và cho rằng "càng đưa nhiều người dân về nước, tội càng nặng", do phải đưa hối lộ số tiền tương ứng.

Một bị cáo khác là Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty CP Vijasun, nhiều lần khẳng định bị Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế ép buộc đưa hối lộ. Ông Dương khai rất nhiều lần bị cán bộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, gây khó khăn trong quá trình làm thủ tục cấp phép chuyến bay. Khi đến gặp Kiên để liên hệ về việc xin cấp phép chuyến bay, Kiên quát, thẳng thừng yêu cầu muốn tổ chức phải nộp 150 triệu đồng/chuyến, nếu không nộp thì không được phê duyệt. Vì vậy, mỗi chuyến bay, ông Dương phải chi cho Kiên 150 triệu đồng.

Hay như lời khai của bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, đã đưa hối lộ 19 lần với số tiền 8,1 tỷ đồng. Khoảng tháng 4.2021, bà Xa trả 1,5 tỷ đồng đặt cọc khách sạn cách ly, chuyến bay được sự đồng ý của 3 bộ, duy chỉ 1 bộ không đồng ý, nên không thành công. Bà đã phải bán nhà trả nợ. Đến tháng 6/2021, khi làm thủ tục chuyến bay tiếp theo, chỉ còn 2 ngày nữa là hạn cuối nhưng hồ sơ thì vấn tắc nghẽn. Bà rất sợ sẽ đổ vỡ như trước đó, bởi giờ không còn nhà để mà bán nữa.

Bà Xa lo lắng, gọi điện lên Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được trả lời rằng "có một chút vướng mắc bên Bộ Công an, em sang đó xem thế nào". Như "chim ngã mà gặp cành cong", bà Xa tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, gặp bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu, để hỏi tình hình. Cường thông báo công ty của bà Xa bị từ chối vì "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả", đồng thời gợi ý "để giải quyết nhanh thì nên làm việc theo cơ chế cảm ơn".

Không còn sự lựa chọn nào khác, bà Xa buộc phải đi xoay tiền để đáp ứng. Và sau lần đầu bị ép đưa tiền, lần sau cứ thực hiện như… một thông lệ. Nữ giám đốc còn kể, có chuyến bay 240 chỗ ngồi nhưng tới 10 hũ tro cốt được mang về, khi doanh nghiệp hỏi tại sao không cấp phép thì những người có trách nhiệm trả lời rằng "bên đó chưa cấp thiết". "Vậy bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào mới là cấp thiết… Nếu chuyến bay có 1 nửa trong số đó hay vài ba chục hũ tro thì như thế nào nữa, có thực sự cấp thiết không?", bị cáo nói trong sự ấm ức.

Phải loại bỏ "văn hóa phong bì"

Mặt tối của cơ chế xin - cho được phơi bày không chỉ từ lời khai của nhóm bị cáo là đại diện doạnh nghiệp, mà được khẳng định bởi quan điểm của cả đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử.

Viện kiểm sát đánh giá, việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước vốn là chủ trương mang đậm tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, một số cán bộ, quan chức đã phản bội lại những nỗ lực của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp phải bôi trơn, đưa hối lộ nếu muốn được cấp phép chuyến bay.

Quá trình xét xử, nhiều bị cáo và luật sư cho rằng việc đưa, nhận tiền giữa doanh nghiệp và quan chức chỉ đơn thuần là quà cảm ơn, không phải hối lộ. Tuy nhiên, kiểm sát viên khẳng định đây là sự đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".

Các bị cáo thuộc nhóm cựu cán bộ, quan chức các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhiệm vụ được giao, vì thế không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước. Để được chi hối lộ, các bị cáo hoặc yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá; hoặc gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới "luật bất thành văn" rằng doanh nghiệp phải chi tiền thì mới được cấp phép.

Hơn thế, trước khi vụ án xảy ra, phần lớn người đưa tiền và người nhận tiền không quen biết nhau, không có quan hệ làm ăn, nên không thể có chuyện đưa món quà giá trị cả tỷ đồng. Thực tế, việc đưa, nhận tiền được mặc định là cơ chế trong xét duyệt thủ tục cấp phép chuyến bay. Hành vi nhận hối lộ của nhóm cựu quan chức đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp nguồn thu, người chịu thiệt thòi không ai khác là những công dân ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm vì đại dịch.

Đồng quan điểm với viện kiểm sát, hội đồng xét xử nhận định, nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để sách nhiễu, tạo cơ chế xin - cho. Điều này thể hiện qua quá trình nộp hồ sơ cấp phép chuyến bay, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn, không thể hoặc nếu có tổ chức được chuyến bay thì cũng rơi vào cảnh thua lỗ.

Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo là nhóm cựu quan chức để nhờ vả.

Thực tế cho thấy, sau khi chi tiền, các doanh nghiệp đã được cấp phép sớm hơn, phê duyệt với tần suất nhiều hơn, số lượng hành khách lớn hơn, tại những thị trường theo đúng yêu cầu của mình. "Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng, vì thế phạm tội nhận hối lộ", hội đồng xét xử kết luận.

Theo Mai Phan/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN