Cơ chế nào cho tái chế chất thải xây dựng?

(khoahocdoisong.vn) - Chất thải xây dựng sau khi tái chế có tiềm năng rất lớn trong việc làm lót vỉa hè, nâng cốt nền hoặc lót đường và còn có thể tái sử dụng nhiều lần.Tuy nhiên, nhưng việc xử lý CTRXD của các doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng.

Hà Nội quá tải rác thải xây dựng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng (CTRXD)  phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn. Hiện nay, theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương chuyển lượng rác này về các địa điểm tiếp nhận, xử lý.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRXD còn thấp. Như trạm trung chuyển, tái chế nghiền tại vị trí chân cầu Thanh Trì mới tiếp nhận, xử lý được khoảng 20.000 tấn CTRXD, chủ yếu đến từ các công trình trọng điểm: Vành đai 2, Vành đai 3. Trong khi phế thải phát sinh từ hoạt động cải tạo, xây dựng của các hộ gia đình và công trình trong nội thành khá nhiều nhưng không ít được vận chuyển đến nơi tiếp nhận.

Nhưng oái oăm hơn, phần lớn các bãi trung chuyển CTRXD thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên.

Mặc dù trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu quy định cụ thể CTRXD phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Nhưng, tại các thành phố lớn, điển hình ngay tại Thủ đô Hà Nội, người dân khó có thể tìm được một điểm tập kết đúng quy chuẩn cho loại chất thải này.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có quy định 2 địa điểm để chôn lấp là bãi Nguyên Khê (huyện Đông Anh), bãi Dương Liễu (huyện Hoài Đức) và 1 địa điểm để thực hiện tái chế (nghiền) tại vị trí chân cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai).

Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội - đơn vị đang vận hành 2 trên 3 địa điểm được phép tiếp nhận xử lý CTRXD tại quận Hoàng Mai và bãi chôn lấp tại Nguyên Khê (Đông Anh) cho biết, hiện các bãi đã đầy và dự kiến dừng tiếp nhận rác vào cuối năm 2020.

Theo quy hoạch, thành phố đã đề ra khoảng 10 khu chôn lấp CTRXD, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng công trình xây dựng ngày càng nhiều, chắc chắn lượng chất thải sẽ còn gia tăng mạnh trong những năm tới, Hà Nội sẽ cần những bãi chôn lấp lớn hơn.

Điều đó cũng đồng nghĩa với quy hoạch về khu vực chôn lấp CTRXD sẽ không theo kịp với nhu cầu. Đó là chưa kể đến việc, CTRXD rất khó phân hủy. Cho nên việc bãi chôn lấp CTRXD quá tải là điều khó tránh khỏi.

Tái chế khó trăm bề

Cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) là đơn vị tiên phong của thành phố Hà Nội trong việc áp dụng công nghệ nghiền, xử lý, tái chế chất thải xây dựng bằng công nghệ tiên tiến.

Sản phẩm của công ty có tiềm năng rất lớn bởi trên thế giới, sản phẩm chất thải xây dựng tái chế thường dùng vào việc làm lót vỉa hè bởi độ ngấm hút nước rất tốt của loại cát tái chế này và độ róc nước lại cao, có thể giảm hiện tượng ngập lụt tại các đô thị lớn. Vật liệu này còn dùng rất tốt trong các công trình khi cần nâng cốt nền hoặc lót đường có trọng tải không lớn. Vật liệu tái chế này còn có thể tái sử dụng nhiều lần.

Tuy đầy tiềm năng, nhưng việc xử lý CTRXD của công ty cũng không hề dễ dàng. Nguyên nhân vì chưa có phân loại chất thải tại nguồn nên phế thải xây dựng đổ về bãi cũng lẫn rất nhiều các loại rác thải khác. Vì vậy, khi đưa về bãi sẽ phải mất nhiều thời gian để phân loại, chất thải không thể tái chế như gỗ, vải, tạp chất khác… phải tách ra mang xử lý nơi khác, còn lại phế thải xây dựng là xi măng, gạch vỡ đưa vào tái chế bằng máy nghiền.

Ngoài ra, cho đến nay, các cơ quan chính quyền vẫn chưa cho ra được thông số kỹ thuật chuẩn để công nhận loại vật liệu này sử dụng trong ngành xây dựng Việt Nam. Đó cũng chính là rào cản không nhỏ để sản phẩm tái chế có cơ hội thương mại hoá một cách rộng rãi.

Hơn nữa, hiện nay Hà Nội mới chỉ ban hành đơn giá chôn lấp vật liệu xây dựng mà chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khi định giá sản phẩm để đưa vào các công trình xây dựng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến bãi xử lý chất thải xây dựng dưới chân cầu Thanh Trì hiện do Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội đang lưu khoảng 25.000m3 sản phẩm đã nghiền.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty này đã nghiền tái chế được khoảng 126.000 tấn CTRXD , tương ứng khoảng 700 tấn/ngày. Trong khi đó, công suất chứa tối đa của bãi là 100.000m3. Nếu không có đầu ra cho sản phẩm tái chế vẫn khó khăn thì đến khoảng cuối năm nay, bãi sẽ không còn sức chứa và phải dừng tiếp nhận.

Trong khi các bãi quá tải, doanh nghiệp gặp khó trong đầu ra sản phẩm, thì mỗi ngày thành phố vẫn thải ra khoảng 3.000 – 5.000m3 CTRXD. Như vậy, vẫn còn một lượng lớn CTRXD  thải ra không có địa điểm tiếp nhận.  

Quốc Trọng