Ít ai ngờ rằng, tứ bề là biển mặn và nắng gió đảo xa, song cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã “vượt lên chính mình”, đẩy mạnh chăn nuôi, gây dựng đàn heo, chó, gà, vịt… đủ để bảo đảm cuộc sống. Và sức sống ở Trường Sa không chỉ dừng lại ở màu xanh cỏ cây, hoa lá mà còn có cả sự hiện diện của những đàn heo đông đúc...
|
Chăm sóc đàn heo ở đảo Trường Sa Lớn. |
Để công tác chăn nuôi phát triển, chỉ huy các đảo trên quần đảo Trường Sa và bộ phận hậu cần coi trọng việc thuần chủng các giống heo thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt trên đảo; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa; tăng cường che chắn, củng cố hệ thống chuồng trại. Thời kỳ heo sinh sản, các đơn vị có giải pháp chăm sóc riêng. Tổ chăn nuôi thường xuyên lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho heo theo mùa vụ.
Tham quan không gian chăn nuôi heo trên đảo mới thấy được sự kỳ công, vất vả của cán bộ, chiến sĩ. “Ngôi nhà” của bộ đội nhỏ nhoi giữa mênh mông biển nước nên điều kiện sinh hoạt hết sức chật chội. Thế nhưng, khu vực nuôi heo thường được "ưu tiên" ở những nơi kín gió và lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ. Vào mùa biển động, bộ đội luôn sẵn sàng di chuyển đàn heo lên tận phòng ngủ để tránh sóng và nước biển tràn lên.
Ở đảo, tất cả mọi người đều tham gia chăn nuôi. Ai cũng có "kinh nghiệm đầy mình" về phương thức chăn nuôi heo và các loại gia súc, gia cầm. Để góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa còn tranh thủ thời gian ngoài giờ để đánh bắt hải sản.
Ra Trường Sa, chúng tôi gặp hình ảnh những người lính trẻ tiết kiệm từng giọt nước để phục vụ sinh hoạt cá nhân và tăng gia sản xuất mới thấy họ trân trọng thành quả, sức lao động và quyết tâm vượt khó biết nhường nào... Dù ở nơi đầu sóng ngọn gió, song việc quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “thực túc binh cường” giúp bộ đội Trường Sa phần nào đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm tươi sống và rau xanh.