Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai chậm do địa phương không sát thực tiễn

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là rất chậm.

Chuong trinh phuc hoi va phat trien kinh te-xa hoi trien khai cham do dia phuong khong sat thuc tien

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2)

Tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế. Số dự án thuộc chương trình được sử dụng vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa 176.000 tỉ đồng trong 2 năm (năm 2022 và 2023).

Trình bày tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết số vốn còn lại hiện chưa phân bổ, giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 28.862 tỉ đồng.

Trong đó, 25.530 tỉ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư; số chưa phân bổ chi tiết, chưa thông báo cho các đơn vị là 3.332 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, trong 169 dự án với số vốn 25.530 tỉ đồng nêu trên, mới có 129 dự án, khoảng 14.710 tỉ đồng, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là rất chậm. Trong đó có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tập trung vào ba nguyên nhân chính.

Theo đó, thứ nhất là phải thực hiện đúng Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí; thứ hai phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, những vấn đề đó sẽ làm mất thêm thời gian. Cùng với đó là các đề xuất của một số bộ, ngành và địa phương không sát thực tiễn.

Trong khi đó, Chính phủ đã có khoảng 17 Nghị quyết và Công điện, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì có khoảng 23 văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng không làm được, không triển khai được, không triển khai được thì không giao được.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những dự án triển khai cũng như được giao vào đợt một hay các đợt sắp tới sẽ luôn luôn được thực hiện thận trọng, nghiêm túc, Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục và trình tự. Đúng và đủ thì Chính phủ mới trình chứ không trình sai và khác với Nghị quyết 43.

Đối với những dự án kéo dài sang năm 2024 và 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay chỉ cho phép Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2022 và năm 2023 nhưng lại cho phép sử dụng nhiều nguồn vốn hỗn hợp để cùng thực hiện một dự án. Các dự án này lại theo phân theo nhóm A, nhóm B, nhóm C nên mới kéo dài, và thẩm quyền phê duyệt các dự án này là của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo theo hướng thực hiện đúng Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đôn đốc, thúc đẩy việc giải ngân. Trong đó, Quốc hội đã cho phép điều hòa giữa các nguồn vốn để đảm bảo linh hoạt và đảm bảo hiệu quả.

Trong thời gian năm 2022 và 2023, đặc biệt là trong năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn các nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác sẽ thực hiện ở năm 2024 và năm 2025.

Về số vốn các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay các dự án đã được phân cấp cho địa phương và chuyển vốn đã giao Bộ giao thông cho các địa phương. Như vậy sẽ giảm vốn của Bộ Giao thông vận tải và tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

My Anh/NĐT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN