Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 2/12 đến 31/12/2024 thông qua phương pháp thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Minh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinahud từ 4,51% lên 24,74%, tương đương 9,4 triệu cổ phiếu.
Theo mức giá vào cuối phiên giao dịch ngày 29/11, cổ phiếu VHD đang ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu thì dự kiến ông Minh sẽ chi khoảng 69 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Ông Trương Quang Minh, sinh năm 1975, giữ chức Chủ tịch Vinahud từ năm 2022, đồng thời cũng là nhà sáng lập CTCP Tập đoàn R&H.
Động thái gom cổ phiếu VHD của ông Minh diễn ra khi thanh khoản cổ phiếu VHD đang ở mức thấp, với khối lượng giao dịch trung bình chỉ 1.600 đơn vị/phiên. Trước đó, giá cổ phiếu VHD đã giảm mạnh hơn 58% từ 15.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 10 xuống 6.200 đồng vào ngày 26/11, nhưng bất ngờ tăng trần trong những phiên gần đây.
Vinahud đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu chỉ đạt 172 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính tăng vọt 70% lên 175 tỷ đồng, khiến lỗ sau thuế ở mức 161,5 tỷ đồng, gần bằng tổng lỗ cả năm 2023. Điều này cho thấy khả năng rất thấp để công ty đạt được mục tiêu năm với doanh thu 603 tỷ đồng và lợi nhuận 18,75 tỷ đồng.
|
Ảnh minh họa |
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, Vinahud ghi nhận tổng tài sản đạt 5.100 tỷ đồng, nhưng phần lớn dựa vào vay nợ. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 84,5 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế đã lên tới gần 300 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 60 lần, trong khi nợ vay/vốn chủ đạt 31 lần, gấp ba so với năm trước.
Danh mục tài sản chủ yếu tập trung vào hàng tồn kho (1.620 tỷ đồng), khoản phải thu (1.970 tỷ đồng), và các khoản cho vay ngắn hạn (1.000 tỷ đồng). Trong khi đó, lượng tiền mặt chỉ còn 11 tỷ đồng, không đủ để trang trải chi phí lãi vay ngày càng gia tăng. Trong 9 tháng, chi phí lãi vay đã tăng 57% lên 152,4 tỷ đồng, nhưng Vinahud chỉ thanh toán được 7,7 tỷ đồng.
TPBank hiện là chủ nợ lớn nhất của Vinahud, với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, gấp 23,5 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay này xuất hiện từ quý 1/2023 để thâu tóm dự án Làng hoa Tiền Phong (Hà Nội) và góp vốn vào dự án Grand Mercure Hội An. Kể từ đó, Vinahud chìm sâu trong thua lỗ.
Ngoài TPBank, Vinahud còn vay 303 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn R&H, đơn vị liên quan trực tiếp đến dự án Làng hoa Tiền Phong.
Trước đó, vào đầu tháng 9, ĐHĐCĐ bất thường Vinahud đã thông qua chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng cho CTCP VNC Construction. Giá chuyển nhượng dự kiến không thấp hơn 980 tỷ đồng, số tiền thu về được dùng để thanh toán khoản nợ tại TPBank.