Chữ quốc ngữ -“hồn trong nước” – kỳ 2: Gian nan hành trình tìm “cha đẻ”

Nói đến chữ quốc ngữ, không thể không nhắc đến công trình đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện chữ quốc ngữ như một loại văn tự đích thực, chính là cuốn từ điển Việt – Bồ – La của linh mục A.de Rhodes.

Cũng chính vì vậy, de Rhodes được xưng tụng là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ. Thế nhưng cũng từ đây, ông bị nhiều người kết tội là kẻ “gian trá”, “lừa đảo”… Vậy đâu là sự thật?

Tự nhận mình chỉ là người kế thừa

Linh mục Alexandre Rhodes thường được người Nam gọi là A – Lịch – Sơn Đắc Lộ, A – lếc – xăng – đơ – rốt, sinh ra vào ngày 15/3/1593 tại Avignon, Pháp. Theo Đỗ Quang Chính trong “Lịch sử chữ quốc ngữ”, ông sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái và có quốc tịch tòa thánh La Mã.

Ông gia nhập Dòng Tên tại Rome năm 1612, thời kỳ truyền giáo cho các dân tộc đang phát triển. Đầu năm 1625, ông cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Bắt đầu từ đây, ông học tiếng Việt và lấy tên là Đắc Lộ.

Linh mục Alexandre Rhodes.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên thì Đắc Lộ mới đầu khi đến Đàng Trong đã thú thật: “Nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được. Hết các tiếng đều độc vận và chỉ phân biệt ý do nhiều giọng nói khác nhau.

Một chữ như “đại” chẳng hạn, có tới hai mươi ba nghĩa hoàn toàn khác nhau, do cách đọc khác nhau, vì thế khi nói thì như ca như hát”.

May mắn, Đắc Lộ đã được một cậu bé chừng 12 – 13 tuổi vô cùng thông minh giúp đỡ trong việc học. Đặc biệt là cha Pina, lúc đó đã thông thạo tiếng Việt, người đã khiến Đắc Lộ “tận tụy học hỏi, tuy vất vả thế nhưng khó ít mà lợi nhiều.

Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng”. Chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong và cứ thế tiếp tục trong nhiều năm.

Năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt – Bồ – La. Phần chính của cuốn từ điển là phần từ vựng, liệt kê 8.000 từ bằng chữ quốc ngữ. Bổ túc thêm là phần phụ lục tóm tắt ngữ pháp tiếng Việt và cách thức phát âm đương thời.

Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ, là cái mốc quan trọng trong việc định chế chữ quốc ngữ, tức cách viết tiếng Việt bằng chữ Latinh. Từ đây công lao của Đắc Lộ được người đời sau ca tụng. Tuy nhiên, ngay trong lời tựa của cuốn sách, ông lại tự nhận mình chỉ là người kế thừa: “Ngoài ra, tôi còn lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là Gaspar do Amaral và António de Barbosa.

Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn từ vựng, ông Gaspar do Amaral làm cuốn Việt – Bồ, ông António de Barbosa làm cuốn Bồ – Việt, nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của hai ông viết ra cuốn từ điển mới, có chua thêm tiếng Latinh”.

Lời kết tội nặng nề

Nhưng cho dù đã có lời tựa đó, vì công trình này ông vẫn bị nhiều học giả kết tội. Tiêu biểu trong số này là quan điểm của GS.TS Phạm Văn Hường, trong bài viết Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ đã đưa ra nhiều phân tích chứng minh Đắc Lộ là “lừa đảo, hay nói thẳng ra đó là hành vi đạo công trình của Gaspar do Amaral và António de Barbosa, lại tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm!”.

Hành vi lừa đảo này, sau này còn tái diễn thêm một lần nữa khi ông đứng tên mình in ra quyển Tường trình về Nhật Bản. Chính vì những điều này mà theo GS Hường, khi Đắc Lộ xin phép giáo hội trở lại Đông Nam Á đã bị khước từ. Và năm 1660 thì chết ở Isfahan “thọ 69 tuổi, kết thúc một đời tu hành gian trá”.

Một quan điểm phản biện tiêu biểu ủng hộ việc “xét lại” công của de Rhodes nữa là của Joland Jacques, nhà ngôn ngữ học người Pháp. Jaques cùng nhiều học giả khác ủng hộ ý kiến cho rằng linh mục Francisco de Pina mới là cha đẻ của chữ quốc ngữ.

Bìa trước cuốn Từ điển Việt – Bồ – La và một tài liệu viết tay.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương (Quảng Nam), như nghiên cứu của Jacques, trong khoảng 30 giáo sĩ Dòng Tên đến truyền đạo ở nước ta, chỉ có 7 – 8 người biết tiếng Việt ở các trình độ khác nhau, thì de Rhodes bị các đồng nghiệp dị nghị về trình độ tiếng Việt.

Bằng chứng trong hồ sơ lưu trữ ở Roma có bức thư “tố cáo” năng lực của Đắc Lộ của một giáo sĩ gửi lên các bề trên của mình ở La Mã đã “chứng kiến sự kém tín nhiệm của một số giáo sĩ Dòng Tên đối với đồng nghiệp A.de Rhodes về sự nắm vững tinh thông ngôn ngữ tiếng Việt ”.

Và một câu hỏi đặt ra, với một trình độ tiếng Việt như thế, làm sao de Rhodes có thể soạn ra cuốn từ điển mà không dựa vào tư liệu có trước của các giáo sĩ khác?

Ngoài ra Jaques cũng cho rằng, khi Pina qua đời đột ngột, thì các cuốn chuyên luận về Từ vựng và các thanh và cuốn Ngữ pháp tiếng An Nam của ông đã rơi vào tay người học trò de Rhodes. Vì thế theo Jaques, de Rhodes dù “có đóng góp tài năng của bản thân ông”, nhưng không phải là người có công đầu với chữ quốc ngữ.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng tình quan điểm này, và như nhà nghiên cứu Đinh Bá Tuyên, Đinh Trọng Tuyền thì câu nhận xét của linh mục Đỗ Quang Chính về công lao của de Rhodes: “chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông” là chính xác.

Xác định công lao từ bằng chứng khoa học

Khi nói về những tranh cãi xung quanh vấn đề “cha đẻ” chữ quốc ngữ, GS.TS Trần Trí Dõi, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử tiếng Việt ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có ý kiến riêng của mình.

Theo ông, khi ghi người đầu tiên có công xây dựng chữ viết Latin cho tiếng Việt là A. de Rhodes  không đơn thuần có nghĩa ông là người đầu tiên duy nhất sáng tạo ra loại chữ viết đó. “Chúng tôi cho rằng cách nói của GS Dương Quảng Hàm và nhiều nhà nghiên cứu khác sau này là một sự xác nhận có lý hơn cả”.

“Việc sáng tác ra chữ quốc ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có cả giáo sĩ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng người có công nhất trong việc ấy là cố Alexandre de Rhodes vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ quốc ngữ, thứ nhất là một cuốn tự điển khiến cho người sau có tài liệu mà học và nghiên cứu”, GS.TS Dõi đã viết như thế trong nghiên cứu của ông.

GS.TS Dõi cũng giải thích rằng, việc căn cứ vào lời mở đầu của A. de Rhodes trong cuốn từ điển và các tài liệu viết tay của các linh mục để “xét lại” công lao của A. de Rhodes là không cần thiết, vì đã là đánh giá khoa học là phải dựa vào bằng chứng khoa học.

“Nói một cách khoa học, người ta chỉ có quyền lấy thời gian xuất hiện công trình của ông làm điểm mốc để ghi nhận sự xuất hiện một kiểu văn tự mới của tiếng Việt, đó là chữ quốc ngữ. Bởi vì chỉ làm như vậy chúng ta mới có đủ bằng chứng để khẳng định điều đó.

Ở đây, rõ ràng công lao cho ra đời các công trình của mình đã làm cho cố Alexdre de Rhodes có vai trò quan trọng nhất của hiện tượng văn tự này.

Trong khi đó, chính ông cũng đã thừa nhận sự kế thừa của mình; còn những phê phán về ông, có thể là có lý, nhưng chỉ đủ sức thuyết phục khi đưa được bằng chứng là những văn bản của Gaspar do Amaral và António de Barbosa còn được lưu giữ lại”.

“Như vậy có thể nói rằng, sự sáng tạo ra chữ quốc ngữ chắc chắn phải là một quá trình và cùng với quá trình ấy là sự tham gia của nhiều người. Nhưng chính nhờ sự in ấn các công trình của mình mà cố Alexandre Rhodes đã đánh dấu thời điểm lần đầu tiên chữ quốc ngữ xuất hiện như một loại văn tự đích thực của tiếng Việt”, GS.TS Trần Trí Dõi.

(còn tiếp)

Mai Loan