Chính phủ yêu cầu tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 theo hướng giảm áp lực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Ngày 7/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Yeu cau to chuc thi tot nghiep THPT 2025 theo huong giam ap luc
Thí sinh thi tốt nghiệp năm 2024

Theo Chỉ thị, để chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết bảo đảm nâng cao chất lượng dạy và học và tổ chức tốt kỳ thi, tuyển sinh năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, toàn diện tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Đồng thời bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương. Cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức tốt kỳ thi và tuyển sinh bảo đảm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời ban hành Quy chế thi, Kế hoạch tổ chức kỳ thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác chuẩn bị, tổ chức thi, bảo đảm yêu cầu phân cấp triệt để theo thẩm quyền, rõ nội dung, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá đối với học sinh THPT trong quá trình dạy và học, nhất là học sinh lớp 12 theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ kỳ thi, không để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông bị động, khó khăn.

Song song với đó là xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học. Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học về công tác tổ chức kỳ thi, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, năng lực kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Trong đó, khâu tổ chức xây dựng đề thi bảo đảm chất lượng, bảo mật, an toàn, có độ phân hóa đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh. Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định bảo bảo đảm chặt chẽ các khâu, các bước trong công tác xây dựng đề thi và ngân hàng câu hỏi thi. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tổ chức chấm thi bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực.

Về tuyển sinh, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực. Tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, bảo đảm tuyển sinh phải khách quan, thực chất, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và có tác động tích cực tới nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học ở bậc học phổ thông. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh năm 2025 và các năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn và hiệu quả. Chuẩn bị từ sớm, từ xa các điều kiện về nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất cần thiết để từng bước tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm theo lộ trình đã công bố trong phương án thi giai đoạn 2025 -2030 và các năm tiếp theo, trong đó lưu ý đối với các địa phương, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực

Chỉ đạo, hướng dẫn và có phương án thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh bảo đảm rõ nội dung, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, tinh gọn, hiệu quả, tập trung vào những khâu tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, gian lận trong kỳ thi và tuyển sinh...

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại địa phương...

>>>Mời độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024:

Bình Nguyên (t/h)