Chiêm nghiệm một đời của đại ca Phong “khỉ” giờ phụ vợ bán bún

Lão tên Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1956. Biệt hiệu của lão là Phong "khỉ" hoặc Phong "sương gió". "Khỉ" có lẽ là vì bản mặt lão không được đẹp trai lắm, lại còn hay nhăn nhó nữa.
Nhưng vào thời trai trẻ, chớ ai dại mà gọi lão như thế nếu không phải là rất thân thiết. Bởi chắc chắn sẽ có người phải "lỗ mũi ăn trầu, cái đầu chảy máu" ngay. Vậy là chiến hữu đều gọi lão là Phong "sương gió". Cũng vì câu nói cửa miệng của lão mỗi khi gặp khó khăn "Sợ cái gì? Sương gió phủ đời trai mà anh em".
Ảnh minh họa. 
“… Trời sinh tính”
Phong là út trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ đều là công nhân. Thời bao cấp, tem phiếu của bố mẹ cũng đủ để cả nhà không đến nỗi quá thiếu thốn.
Thế nhưng trong khi 2 người anh đi bộ đội, rồi trở về nguyên vẹn với quân hàm, quân hiệu, làm rạng rỡ gia đình thì lại nảy nòi ra lão, sớm sa đà hư hỏng. Có lẽ vì là con út được chiều chuộng quá, hay cũng có thể như lão tự nhận sau này "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" mà thôi.
Để có thể hiểu về bước sa ngã đầu đời của Phong, cũng cần có vài nét khái quát về nơi mà lão chôn nhau cắt rốn. Bây giờ thì nhà lão có số nhà là ngõ 29 phố Trần Khát Chân đàng hoàng, nhưng vài chục năm trước, vùng này chỉ là một bãi đất rộng sau con đê đất.
Nơi đó, người ngoại tỉnh tràn về sau giải phóng thủ đô (năm 1954) dựng nhà cửa khá tạm bợ, nhiều khi chỉ là những túp lều, để tìm kiếm một cuộc sống mới.
Thời ấy đất rộng mà lòng người cũng rộng. Người cũ người mới sống chan hòa trong không khí miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt còn đỏ lửa chiến tranh.
Tất cả cho tiền tuyết nên ở nhiều nơi trong đó có cả khu đê Khát Chân này, công tác quản lý của chính quyền tương đối lơi lỏng.
Đến những năm 70 của thế kỷ trước, sự phức tạp bắt đầu xuất hiện. Lợi dụng sự tạm bợ vốn có, lợi dụng vùng đất trong đê ít người nhòm ngó, đám ma cô chuyên chăn dắt gái mại dâm đổ về đây thuê nhà để hoạt động.
Khu vực Khát Chân trở thành "khu đèn đỏ" khá nổi lúc bấy giờ. Nổi lên trong đám ma cô phải kể đến Nguyễn Văn Thông biệt hiệu Thông "đen".
Tay anh chị này từng là học trò của cụ Ba Thơ, một võ sư Thiếu Lâm Phật Sơn nổi tiếng. Dân võ truyền tụng nhau chuyện cụ Ba Thơ có thể dùng 5 đầu ngón tay, bóp bẹp rúm một chiếc bát sắt tráng men.
Họ cũng kể rằng khi nhận ra bản chất lưu manh của Thông "đen", cụ đã đuổi hắn khỏi sư môn. Nhưng chỉ với những gì học mót được, cũng đủ để Thông "đen" xưng hùng xưng bá ở khu Trần Khát Chân rồi.
Học võ để làm… giang hồ
Trở lại với Phong. Có thể nói nếu như cụ Ba Thơ dạy nhầm trò thì Phong lại chọn nhầm thầy. Đôi lần chứng kiến Thông "đen" đánh cho những tay anh chị khác tan tác, vốn ham võ nghệ, Phong cùng vài đứa bạn tìm đến xin Thông "đen" truyền dạy.
Con mắt lưu manh giúp Thông nhận ra đây chính là lũ "tiểu yêu" sau này cần dùng đến, nên gã lập tức nhiệt tình thu nhận.
Phong kể rằng Thông "đen" không dạy những bài quyền như mọi môn phái khác. Sau tầm hơn một tháng học các loại tấn cơ bản, rồi tập tiếp vài ngọn quyền cước, Thông dạy luôn học trò "đòn giang hồ".
Nói nôm na là các miếng võ hiểm để ra đường gặp đối thủ có thể áp dụng được luôn. Và "học" đi đôi với "hành", Thông xua đám học trò xuống đường. Hôm thì đi gây sự đòi thi đấu với một lò võ nào đó, gọi là đi "phá lò".
Hôm thì dàn trận đánh nhau sòng phẳng bằng tay chân với một nhóm giang hồ khác. Cách dạy võ của Thông "đen" không chính thống, nhưng nói không ngoa, đã giúp đám học trò trở nên dạn dày trận mạc rất nhanh chóng.
Và Phong là đứa áp dụng đòn giang hồ của thầy thuần thục nhất. Tuổi thiếu niên của Phong đã bị một gã giang hồ lọc lõi lợi dụng như thế. Mỗi khi trở về sau những vụ đánh lộn, có khi đầy thương tích, Phong vẫn được thầy Thông khen thưởng, bằng rượu ngon, thuốc lá thơm và thậm chí cả bằng gái nữa.
Những thứ bùa ngải thực ra rất rẻ tiền ấy đã khiến Phong bỏ học và trượt khỏi vòng tay gia đình lúc nào không hay. Năm 1972 là lần đầu tiên Phong phải trả giá.
Đánh một người gây thương tích nặng nhưng vì mới 16 tuổi, Phong chỉ phải đi cải tạo 6 tháng ở trường giáo dưỡng tỉnh Hà Tây.
Cái “đẩy tay” của người thân
Lần đầu biết thế nào là mất tự do, Phong cũng thấm thía lắm. Lại được các thầy cô ở trường giáo dưỡng dạy cho nhiều điều hay lẽ phải, Phong cũng muốn được làm lại từ đầu. Nhưng khi chấp hành xong hình phạt, trở về nhà, Phong lại gặp một biến cố khác.
Hai người anh của Phong lúc này đã xuất ngũ, cùng với bố Phong, không thể chấp nhận một đứa con, đứa em hư hỏng. Mẹ Phong dù rất thương nhưng trước sự gia trưởng của những người đàn ông, cũng không dám bảo vệ đứa con út của mình.
Phong bị đuổi khỏi nhà với nửa chỉ vàng mẹ dúi cho. Dễ hiểu vì sao Phong nhanh chóng trở về đường cũ. Tiêu hết nửa chỉ vàng khao chiến hữu, Phong góp mặt trong một băng "công ty hai ngón".
Lần này, đại ca của nhóm là Long "già" Trại Găng (tên một ngõ ở phố Bạch Mai) Long "già" có trong tay hàng chục đệ tử, cả trai lẫn gái, đều ở tuổi choai choai. Long chỉ đạo đàn em hoạt động ở các bến tàu, bến xe, và đặc biệt là trên mạng lưới tàu điện đi khắp nơi trong nội thành.
Thời ấy, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng như xe buýt bây giờ. Đủ mọi tầng lớp người dọc ngang phố phường Hà Nội, vì thế ít ai để ý đến đám choai choai ưa đùa nghịch. Chúng xô đẩy nhau, trêu chọc nhau chí chóe.
Chúng đẩy cả bạn gái ngã vào hành khách trên tàu. Nhiều lần, các anh bộ đội mới từ chiến trường về, ngây người bởi mùi hương thiếu nữ, đờ đẫn trước thân hình mềm dịu vừa đổ ập vào lòng mình. Chính lúc ấy, những ngón nghề "2 ngón" được tung ra.
Chỉ đến khi lũ nhóc nối nhau nhảy khỏi tàu điện và mất hút, nhiều hành khách mới tá hỏa khi tiền để trong túi ngực, đồng hồ ở tay hoặc ví ở túi quần sau đã bốc hơi lúc nào không biết. Thực ra trong nhóm chỉ có vài đứa có nghề "bàn tay vàng" mà thôi, nhóm còn lại làm nhiệm vụ gây nhiễu và cản địa nếu bị phát giác.
Phong không có khiếu học nghề móc túi nên ở trong nhóm cản địa này. Cùng thời này với Phong có Hợp "khỉ", Thạch "con", Ngọc "bụi"... về sau đều là những tay anh chị khá có số má trong giới giang hồ. Nhưng đó là chuyện sau này. Khi ấy, tất cả bọn choai đều sợ Long "già" một phép.
Tài sản trộm cắp được mỗi ngày đều phải nộp về cho Long. Dù đám trẻ kiếm ăn rất khá nhưng tính công chia tiền cho từng thành viên thì không đáng bao nhiêu.
Cả bọn đều hiểu tại sao và khá uất ức đại ca nhưng không dám nói đi nói lại gì. Bởi Long "già" quan hệ rất rộng. Có Long "già" đứng sau lưng thì đệ tử đi "hành nghề" khỏi lo bị các nhóm khác bắt nạt hoặc hớt tay trên. Mới về nhóm nhưng thấy sự bất công ấy, Phong không chịu nổi.
Chỉ vài câu qua lại, Long "già" nổi điên lập tức ra tay đánh thằng lếu láo. Nhưng Long "già" đã nhầm. Thằng oắt con không phải tay vừa và tính điên thì không kém gì gã. Phong đánh Long "già" một trận thừa sống thiếu chết, gãy mấy sương sườn, phải đi nằm viện cả tháng trời.
Phong kể rằng giang hồ thời ấy tôn thờ 2 chữ "nghĩa khí". Nếu đã là đánh tay đôi thì ai thua nấy chịu. Không báo công an, không tìm cách trả thù. Long "già" bị chính đàn em của mình "phá giá" nên lặng lẽ rút lui.
Phong thay vào chỗ đại ca mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Đại ca mới nhưng cách hoạt động vẫn cũ, chỉ có tiền là ăn đồng chia đều.
Đám đàn em phấn khởi nên càng hoạt động táo tợn hơn trước. Thời điểm ấy, có những ngày nhóm của Phong chia nhau hàng chục ngàn đồng, một số tiền không hề nhỏ chút nào.
Theo PV/Phapluatplus

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN