Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế…
Trong năm 2022 đặt ra chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, có một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP khoảng 6%-6,5% khó hoàn thành; nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%-5,5%. Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
"Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6%-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022"- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo thực hiện được mục tiêu và chỉ tiêu trong năm 2022.
Trong chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết xác định 7 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Trong đó, có một số chỉ tiêu như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; nâng cao tỉ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP.
Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Nghị quyết cũng đưa ra chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh mục tiêu về số lượng doanh nghiệp, tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ đang xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên việc xác định chính xác mức bội chi ngay tại nghị quyết này là chưa khả thi.
"Do đó xin Quốc hội vẫn tiếp tục thực hiện mức bội chi ngân sách nhà nước là 3,7% GDP đến khi Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.