Liên quan tới vụ việc
chết vì gọt cằm ở Bệnh viện EMCAS, bác sĩ Phạm Xuân Khiêm - Giám đốc Bệnh viện EMCAS
(địa chỉ 14/27 Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TP.HCM) đã có buổi trao đổi với
Kiến Thức xung quanh vụ tai biến, dẫn đến tử vong của chị Trương Thị Đ. (39 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), nạn nhân đến thực hiện phẫu thuật “Chỉnh hình xương 2 hàm (gọt cằm)”.
|
Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, giám đốc bệnh viện thẩm mỹ EMCASẢnh Phú Mỹ/Zing |
Phóng viên (PV): Thưa ông, đến thời điểm này (sau cái chết của chị Đ.-PV), dù chưa xác định được có sai sót hay không, xin ông cho biết trách nhiệm thuộc về ai, bệnh viện hay bác sĩ trực tiếp ca phẫu thuật về vụ tai biến dẫn đến tử vong của chị Đ.?
Ông Phạm Xuân Khiêm: Trước tiên, tôi có thể khẳng định rằng EMCAS là một bệnh viện và chủ thể bệnh viện không gây tai biến. Trong trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Đ., EMCAS cung cấp dịch vụ gây mê cho bệnh nhân và bác sĩ gây mê của EMCAS đã tiến hành ca gây mê an toàn (chị Đ. đã tỉnh lại hoàn toàn sau phẫu thuật).
Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho chị Đ. là TS-BS Trần Ngọc Quảng Phi. Bác sĩ Phi không phải là bác sĩ của Bệnh viện thẩm mĩ EMCAS.
Vì vậy, có thể thấy rõ ở sự việc này là: khi xảy ra tai biến y khoa, trách nhiệm chính thuộc về phẫu thuật viên (bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi), bệnh viện thẩm mỹ EMCAS chỉ chịu trách nhiệm liên đới.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai biến đối với chị Đ., Ban Giám đốc EMCAS đã báo cáo chi tiết vụ việc đến Sở Y tế TP HCM. Sở cũng đã lập hội đồng để họp chuyên môn về vụ việc này. Còn cụ thể về việc bác sĩ Phi để xảy ra lỗi chuyên môn hay không, chỉ có thể chờ kết luận chính thức từ Sở.
PV: Thưa ông, hiện tại, khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc, phía bệnh viện còn tiếp tục cộng tác với bác sĩ liên quan đến vụ việc này hay không và bệnh viện vẫn còn tiếp tục thực hiện phẫu thuật gọt cằm không? Nếu còn, xin phía bệnh viện cho biết sau 5 tháng xảy ra vụ việc, bác sĩ Phi (người trực tiếp phẫu thuật cho chị Đ.) đã thực hiện thêm bao nhiêu ca phẫu thuật tại EMCAS? Có xảy ra sự cố nào nữa không?
Ông Phạm Xuân Khiêm: Từ khi thành lập đến nay, tiêu chí hàng đầu của EMCAS là chỉ tuyển những bác sĩ có chuyên môn cao vào làm việc. Với những trường hợp bác sĩ bên ngoài muốn phối hợp, cộng tác với EMCAS trong phẫu thuật thẩm mỹ, chúng tôi cũng đòi hỏi điều kiện chuyên môn, giấy phép hành nghề rất khắt khe.
TS-BS Trần Ngọc Quảng Phi đáp ứng được tiêu chí đó nên đã được EMCAS đồng thuận phối hợp. Việc tai biến y khoa xảy ra với chị Đ. chưa có kết luận cuối cùng về mặt chuyên môn nên chúng tôi chưa đủ cơ sở để chấm dứt việc phối hợp chuyên môn với bác sĩ Phi ở thời điểm này. Hiện tại, dịch vụ gọt cằm thẩm mỹ vẫn được tiến hành bình thường như bao dịch vụ khác tại Emcas.
Cũng cần nói thêm rằng, tai biến luôn tiềm ẩn trong y khoa, cũng giống như tai nạn luôn tiềm ẩn trong đời sống. Đôi khi, tiêm một liều thuốc kháng sinh thôi cũng xảy ra tai biến, nhưng người ta không thể cấm tiêm kháng sinh chỉ vì có thể xảy ra tai biến. Cũng giống như việc máy bay có thể rơi nhưng người ta không thể cấm tất cả các chuyến bay vì đã xảy ra tai nạn máy bay. Vấn đề chính nằm ở chỗ, cần xác định rõ nguyên nhân xảy ra tai biến để xem xét bác sĩ phẫu thuật đã làm đúng chuẩn các bước hay không. Về phía EMCAS, Sở Y tế cũng đã kết luận rằng EMCAS đã thực hiện đúng trách nhiệm trong vụ phẫu thuật thẩm mĩ cho chị Đ.
|
Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS, nơi xảy ra vụ tai biến sau phẫu thuật dẫn đến cái chết của người phụ nữ sau 5 tháng hôn mê. |
PV: Thiện chí cụ thể của bác sĩ Phi khi xảy ra vụ việc và lúc nạn nhân tử vong được phía bệnh viện ghi nhận như thế nào? Riêng phía bệnh viện đã và sẽ có những hỗ trợ gì cho nạn nhân và gia đình nạn nhân?
Ông Phạm Xuân Khiêm: Xin được nhường câu hỏi “thiện chí của bác sĩ Phi khi xảy ra vụ việc” cho bác sĩ Phi vì đây là câu hỏi liên quan đến cá nhân bác sĩ Phi.
Về phía bệnh viện, chúng tôi đã đồng hành tối đa cùng chị Đ. trong quá trình điều trị bằng cách lo các thủ tục và kinh phí để chị Đ. chuyển viện và điều trị tại các bệnh viện; cử điều dưỡng của EMCAS để chăm sóc liên tục cho chị Đ. EMCAS chưa bao giờ lơ là trong việc hỗ trợ chị Đ. và gia đình chị ấy. Đó không chỉ là trách nhiệm của một đơn vị có liên đới vụ việc, mà còn là trách nhiệm và lương tâm của một người thầy thuốc.
Sáng 13/2, đoàn đại diện EMCAS cũng đã trực tiếp đến gia đình chị Đ. để viếng. EMCAS cũng đã hỗ trợ gia đình chị Đ. để lo hậu sự và ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch hỗ trợ các con của chị Đ. để đảm bảo việc học của các cháu được ổn định.
PV: Đến thời điểm này, phía bệnh viện đã báo cáo gì về Sở Y tế cũng như bệnh viện nhận được chỉ đạo gì của Sở Y tế TP HCM?
Ông Phạm Xuân Khiêm: Chúng tôi đã báo cáo ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra và liên tục cập nhật thông tin về diễn biến vụ việc để Sở nắm. Chủ trương xuyên suốt của bệnh viện EMCAS là minh bạch và khách quan thông tin đến các cơ quan quản lý, các cơ quan thông tin đại chúng và người dân.
Xin được tái khẳng định rằng, bệnh viện không gây tai biến y khoa và vì vậy, chắc chắn rằng bệnh viên không gây ra cái chết cho chị Đ. Tai biến y khoa này chỉ xảy ra sau khi phẫu thuật viên (bác sĩ Phi) tiến hành phẫu thuật.
Dù chỉ ở góc độ trách nhiệm liên đới, EMCAS cũng đã hết mình trong việc hỗ trợ chị Đ. và gia đình chị ấy trong tai nạn này. Chúng tôi hết sức đau buồn và chia sẻ nỗi mất mát quá lớn đối với gia đình chị Đ.
Xin cám ơn ông!
Trước đó, ngày 17/9/2017, chị Đ. đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas để phẫu thuật gọt cằm làm đẹp. Ca mổ do tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi thực hiện, bắt đầu lúc 9h và kết thúc vào khoảng 12h như dự kiến. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chị Đ. xuất hiện tình trạng chảy máu ồ ạt ở vùng cổ họng, gây phù nề, khó thở.
Ngay lập tức, ê kíp bác sĩ phẫu thuật tại đây đã tiến hành cầm máu và thực hiện các biện pháp chuyên môn cần thiết, sau đó bệnh nhân được đưa đến một bệnh viện đầu ngành của thành phố cấp cứu, điều trị trong tình trạng hôn mê. Sau 1 tuần được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực dù bệnh nhân cai được máy, tự thở qua ống thông khí quản nhưng tiên lượng bình phục dè dặt. Vì lo lắng, bất an nên gia đình chị Đ. đã quyết định đưa chị sang Singapore để tìm cơ hội sống. Việc đưa bệnh nhân xuất ngoại được xem là phương án bất đắc dĩ gia đình thực hiện với hi vọng “còn nước còn tát”.
Tuy nhiên, sau gần nửa tháng, tình trạng sức khỏe của chị Đ. vẫn không cải thiện nhiều, đồng thời chi phí điều trị cho chị Đ. tại Singapore khá tốn kém, trung bình mỗi ngày mất hàng ngàn USD nên nạn nhân đã được đưa trở lại Việt Nam để điều trị. Đến chiều 11/2, chị Đ. đã qua đời tại nhà riêng sau gần 5 tháng gặp nạn, bỏ lại chồng 3 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất mới hơn 3 tuổi.
Ngày 28 Tết (13/2), gia đình đã đưa chị Đ. đến an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9.