Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra 2 vụ án mạng nghiêm trọng do người tâm thần gây ra làm 6 người tử vong và 8 người bị thương. Cụ thể, tại Bình Định, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án thanh niên 37 tuổi có tiền sử mắc bệnh tâm thần dùng gạch, gậy tre đánh chết bố đẻ, vợ và con trai.
|
Đối tượngThạch Sà Khêl - nghi can truy sát khiến 12 người thương vong xảy ra tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. |
Tại tỉnh Bạc Liêu, cũng vừa khởi tố vụ án nam thanh niên 34 tuổi đang điều trị ngoại trú bệnh tâm thần bất ngờ cầm dao chém xối xả hàng xóm, khiến 3 nạn nhân tử vong và 8 người khác phải nhập viện. Vậy người tâm thần gây án sẽ chịu trách nhiệm hình sự như thế nào và cần có biện pháp gì để ngăn chặn?
Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Lê Thu Hằng, Công ty luật Trương Anh Tú (Hà Nội) về vấn đề này:
PV: Dưới góc độ pháp lý, bà nhìn nhận như thế nào về những vụ việc mà nghi phạm gây ra là những bệnh nhân tâm thần?
Luật sư Lê Thu Hằng: Người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật mà gây tổn hại đến tài sản, thậm chí sức khỏe, tính mạng của người khác là một việc hết sức trầm trọng và nguy hiểm, cần phải có những biện pháp cụ thể và triệt để để ngăn ngừa tình trạng này.
Theo quy định của pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình Sự 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
PV: Vậy, cơ quan thi hành pháp luật sẽ phải xử lý như thế nào khi người tâm thần gây án, thưa bà?
Luật sư Lê Thu Hằng: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội họ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu.
Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Cụ thể ở đây là những người đại diện hợp pháp của người tâm thần phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự cho các gia đình nạn nhân.
PV: Trong trường hợp nào thì phải thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị bệnh tâm thần,thưa bà?
Luật sư Lê Thu Hằng: Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình.
Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật từ đó rất dễ dẫn đến những vụ án đau lòng như thời gian vừa qua.
PV: Theo bà, gia đình và xã hội nên quản lý những người tâm thần như thế nào để việc chữa trị hiệu quả và tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc?
Luật sư Lê Thu Hằng: Tôi cho rằng gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Chúng ta cũng không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo quan điểm của tôi, hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh đang còn thiếu và chưa có đủ khả năng để có thể khám chữa bệnh đầy đủ cho những người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần. Bộ Y tế cần có giải pháp phù hợp để tạo thêm nhiều cơ sở chữa bệnh để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của những người có dấu hiệu bệnh tâm thần.
PV: Xin cảm ơn bà!.