Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vòm họng

Thiếu hụt dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư vòm họng là vô cùng nguy hiểm. Việc thiếu hụt dinh dưỡng ở những bệnh nhân có khả năng cao sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm đáp ứng với điều trị...

Đối với bệnh nhân ung thư thì dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đặc biệt là bệnh nhân ung thư vòm họng.

Trong suốt quá trình điều trị ung thư, cơ thể của bệnh nhân phải chống chọi với tế bào ung thư, sự hủy hoại sức khỏe từ điều trị hóa chất, di căn, tái tạo tế bào mới thay thế cho những tế bào bị phá hủy. Trong quá trình điều trị hóa chất, nhiều tế bào bình thường của cơ thể bệnh nhân cũng bị phá hủy theo.

Vì vậy, với bệnh nhân ung thư thì nhu cầu dinh dưỡng sẽ cao hơn bình thường để duy trì chức năng bình thường của cơ thể. Nếu người bệnh ung thư không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì cơ thể sẽ tự lấy mỡ và cơ để chuyển hóa nhằm duy trì hoạt động bình thường.

Thiếu hụt dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư vòm họng là vô cùng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư vòm, chúng ta có thể thấy việc thiếu hụt dinh dưỡng ở những bệnh nhân có khả năng cao sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm đáp ứng với hóa chất điều trị, gián đoạn quá trình điều trị hóa chất.

Chế độ dinh dưỡng cân đối và phù hợp sẽ làm giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị và nhanh phục hồi cơ thể.

Người bệnh nên ăn nhóm thức ăn đa dạng, đầy đủ 4 nhóm chất là chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất ở mức cân đối và phù hợp với tình trạng bệnh. Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cần được duy trì đều đặn trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Người bệnh nên ăn đa dạng nhóm thực phẩm để tránh thiếu hụt dinh dưỡng - Ảnh minh họa

Tuyệt đối không được ăn kiêng hoặc ăn lệch lạc. Bệnh nhân không nên sử dụng các thực phẩm chứa chất gây nghiện, rượu, bia. không hút thuốc lá, thuốc lào,…

Bệnh nhân ung thư vòm họng thì ăn qua đường miệng gặp nhiều khó khăn hơn. Sau khi điều trị hóa chất, họ thường mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, sưng miệng/họng, khô miệng, thay đổi khẩu vị và mệt mỏi. Những dấu hiệu trên đều do tác dụng phụ của hóa chất và bệnh gây ra. Do đó, ăn uống đúng cách giúp giảm những dấu hiệu này.

Bệnh nhân ung thư vòm họng nếu còn nuốt được thì nên ăn mềm (cháo, súp, xay nhỏ) ngay từ khi được phát hiện bệnh để tránh làm tổn thương khối u hoặc tổ chức xung quanh, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn nhiều nhất có thể bất cứ lúc nào muốn ăn và ăn ngon miệng.

Cần trao đổi với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và xây dựng chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh và tình trạng dinh dưỡng. Thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi.

Trong trường hợp bệnh nhân khó nuốt, không nuốt được, nuốt nghẹn, tổn thương do hóa – xạ trị hoặc bệnh nhân ăn kém thì nên mở thông dạ dày để nuôi dưỡng càng sớm càng tốt.

Tránh để đến khi suy dinh dưỡng hoặc giảm cân mất kiểm soát mới mở thông dạ dày thì việc nuôi dưỡng trở nên khó khăn hơn. Khi bệnh nhân có mở thông dạ dày hoặc đặt sonde dạ dày để nuôi dưỡng, chúng ta cần bơm ăn và hướng dẫn người nhà, người bệnh cách bơm ăn qua sonde.

Việc hướng dẫn này giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết cách chăm sóc khi về nhà. Đối với nhóm bệnh nhân này, thức ăn cần xay nhuyễn, nhỏ để có thể bơm qua sonde hoặc mở thông dạ dày.

Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, ăn mỗi bữa ít một, tránh việc ăn quá nhiều dẫn đến sặc.Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cần có tư vấn của bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng.

Đối với bệnh nhân ung thư, bên cạnh việc bổ sung đủ dinh dưỡng thì hoạt động thể lực mức độ vừa phải và giữ cho tinh thần thoải mái cũng giúp cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả hơn.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Lan, (Khoa Hóa trị liệu, Bệnh viện TWQĐ 108)

Điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Lan