Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Luật giá và Luật Đấu thầu sửa đổi.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Góp ý cho dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, qua thực tiễn xét xử thấy một số quy định đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó chưa quy định hồ sơ mời thầu, trong khi đây lại là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định chặt chẽ, dẫn tới tình trạng cài cắm, tạo cạnh tranh không bình đẳng, tiêu cực xảy ra.
Theo ông Chính, nhiều vụ án, nhiều vụ việc rất đau xót cho chủ đầu tư. "Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai, người ta làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi giao cho làm chủ đầu tư, lại không biết chức năng thầu như thế nào, dẫn tới tình trạng vì không hiểu thủ tục đấu thầu mà vi phạm pháp luật, rất đáng tiếc. Hay Bệnh viện K, rất chuyên sâu trong nghiệp vụ, nhưng chỉ vì đấu thầu mà người ta phải rơi vào vòng lao lý", ông Chính nói.
Từ thực tế đó, ông Chính đề nghị cần xem xét vấn đề này. Theo đó, trong công tác quản lý, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương và từ chủ đầu tư, người tham gia đấu thầu.
Cũng theo ông Chính, vì không có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với người tham gia đấu thầu nên một số đơn vị dù không có năng lực nghiệp vụ, một số lợi dụng quan hệ, dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ.
Như vụ AIC chuẩn bị xét xử, "quân xanh" hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả "quân xanh" đều làm theo. Lấy ví dụ trên, ông Chính đề nghị cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra giải pháp hiệu quả, quy định cho chặt chẽ, nếu không tiêu cực vẫn sẵn sàng xảy ra.
Bên mua bên bán đều không muốn giao dịch, sợ giải trình
Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội quan tâm tới quy định những hành vi bị cấm tại Điểm c, Khoản 2 dự thảo.
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 7/11. Ảnh: Mai Loan. |
Trong đó, quy định “Cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với khi điều chỉnh giá”.
Bà Nhị Hà lấy dẫn chứng, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, có lúc giá một số loại hàng hóa, trang thiết bị vật tư tiêu hao như: Kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm khẩu trang, thậm chí các trang thiết bị y tế đều tăng rất nhanh. Thậm chí trong khoảng 2-3 tuần, giá có thể tăng 5-7 lần do nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung bị hạn chế. Nhưng thị trường vẫn chấp nhận tạm thời vì đây là những mặt hàng thiết yếu.
Vì vậy, theo bà Nhị Hà, trong nội dung điều khoản cần phải làm rõ khái niệm bất hợp lý, không phù hợp. Bởi thực tế, một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi bán giá hàng hóa cao gấp vài chục phần trăm giá nhập khẩu .
Điều này đã tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế nhà nước khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch. Thậm chí, cả bên cung ứng, bên bán cũng không muốn tham gia vào các giao dịch với các cơ sở y tế vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận.
Chúng ta đã chứng kiến tại thị trường Hà Nội, có thời điểm một cái khẩu trang phải mua tới 10.000 đồng. Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau ở thời điểm mà giá tăng lên một cách đột biến. Vì thế, chúng ta cần có quy định trong Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là cách hiểu khác nhau khi giá cả thị trường tăng mạnh vào thời điểm chống dịch.
“Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc các hoạt động mua sắm, các hoạt động xác định giá mua sắm các loại mặt hàng, trang thiết bị y tế, thuốc cần đưa lên một sàn giao dịch điện tử để mua bán, cập nhật theo thời gian thực, giao dịch công khai, minh bạch; lựa chọn được hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định với giá cả hợp lý nhất, không phải đấu thầu theo tiêu chí hàng hóa rẻ nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị mua sắm, tránh những sai phạm có thể xảy ra”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.