Câu kết cán bộ ngân hàng đưa công ty "ma" lên sàn chứng khoán

Để đưa Cty “ma” lên sàn chứng khoán, các đối tượng câu kết với cán bộ ngân hàng để “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền trên phần mềm của ngân hàng.
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả mạo trong công tác; làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức; thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh.
Theo đó, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 3 bị can gồm Trần Hữu Tiệp – nguyên Chủ tịch Cty MTM; Vũ Thị Hoa (SN 1970); Nguyễn Lê Trường (SN 1980) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can Nguyễn Văn Dĩnh – nguyên GĐ Cty CP khoáng sản Nari Hamico; Nguyễn Thị Hiên (SN 1967); Ngô Văn Hiến (SN 1983); Lê Thị Hằng Nga – nguyên GĐ TPBank Tây Hà Nội; Trần Thị Mai Lan – nguyên GĐ Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Năm bị can công tác tại Chi nhánh Nam Hà Nội thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị đề nghị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác” gồm Lê Đắc Hà – GĐ Phòng giao dịch Đại Kim; Hồ Xuân Lý – GĐ Phòng giao dịch Ngọc Hồi; Đặng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hiền, Vũ Thế Vinh – cùng là cán bộ BIDV.
Bùi Thiện Lý (SN 1988) và Đỗ Hữu Tài (SN 1992) bị đề nghị truy tố tội “Thao túng giá chứng khoán”.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra kiến nghị xử lý hàng chục cá nhân khác có hành vi sai phạm nhưng không đến mức xử lý hình sự.
Bị can Trần Hữu Tiệp (áo kẻ). 
Kết quả điều tra thể hiện, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý của Cty MTM. Thực tế Cty này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014 MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng… nhằm đưa Cty “ma” này đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Để có hồ sơ trên, các bị can phía Cty MTM đã móc nối với cán bộ BIDV Chi nhánh Nam Hà Nội giúp “chạy khoản” bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm BIDV qua các tài khoản trong nhóm Cty của Nguyễn Văn Dĩnh (mỗi giao dịch chỉ cách nhau vài phút).
Từ năm 2013 đến 2015, các cán bộ BIDV đã làm giả 143 chứng từ ủy nhiệm chi/nộp – rút tiền với tổng số 355 tỷ đồng cho Cty MTM và nhóm liên quan. Tương tự, Chi nhánh TPBank Tây Hà Nội cũng giúp nhóm MTM lập tài khoản, làm giả 7 chứng từ với tổng số 130 tỷ đồng.
Tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (đình chỉ điều tra do Công bỏ trốn) thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ bị can Dĩnh) để nhận hồ sơ của Cty MTM, làm thủ tục đăng ký giao dịch. Các đối tượng thỏa thuận, nếu cổ phiếu của MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu.
Sau đó, Công và Tiệp làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu MTM trên sàn của Cty đại chúng chưa niêm yết (Upcom). Hai đối tượng này biết cổ phiếu của MTM không thu hút các nhà đầu tư nên giao Bùi Thiện Lý và Đỗ Hữu Tài sử dụng hơn 100 tài khoản (nhờ người quen đứng tên) giao dịch chứng khoán tạo cung – cầu giả mạo, thao túng giá cổ phiếu MTM.
Khi có tiền bán cổ phiếu, Phùng Thành Công nhờ các cá nhân cho mượn được nhận ủy quyền giao dịch chứng khoán rút ngay tiền bán cổ phiếu vào các tài khoản khác trong nhóm MTM để quay vòng mua, tạo cung cầu giả tạo; khi không đủ tiền, Công sử dụng dịch vụ bảo lãnh sức mua của MSI (một Cty chứng khoán - PV) để ứng tiền vào tài khoản giao dịch.
Cơ quan ANĐT đã xác định, Phùng Thành Công là chủ mưu, cùng các đối tượng liên quan đã rút ra, chiếm đoạt của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán gần 54 tỷ đồng; còn tồn tại 39/59 tài khoản thao túng số tiền là gần 572 tỷ đồng; số tiền nhà đầu tư bị thiệt hại là hơn 56 tỷ đồng.
Cũng trong vụ án, cơ quan điều tra xác định, ngoài các bị can thuộc quản lý, phía ngân hàng BIDV đã thu lợi hơn 67 triệu đồng. Công an đã yêu cầu BIDV nộp số tiền này vào tài khoản tạm giữ để phục vụ truy tố, xét xử.
Theo Xuân Ân/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN