Dặm vá chằng chịt
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (chạy qua TPHCM - Long An -Tiền Giang) ngập ngụa rác thải, mặt đường loang lổ, chằng chịt những vết vá, nhiều đoạn nhựa đường bị bong tróc, gợn sóng, có dấu hiệu hư hỏng.
|
Mặt đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hư hỏng
|
Khu vực Trạm thu phí Chợ Đệm (thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM) và Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), dòng ô tô nối đuôi nhau ra vào cao tốc để đi TPHCM và các tỉnh miền Tây. Sau hơn 3 năm dừng thu phí, hàng chục ca-bin thu phí hai đầu cao tốc đã hư hỏng nặng; một số ca-bin bị ô tô tông biến dạng, các thiết bị bên trong đều hư hỏng. Nhiều mảnh cửa kính vỡ vụn nằm vương vãi dưới mặt đường, bên trong buồng thu phí.
Dọc tuyến cao tốc dài hơn 60km, nhiều đoạn hàng rào bảo vệ hành lang an toàn bị người dân phá hỏng để vào bên trong. Bốn làn xe hai hướng đi về của cao tốc nhiều đoạn bị hằn lún, thảm nhựa đường bong tróc chỉ còn lớp đá dăm tạo nhám mặt đường. Đặc biệt, đoạn gần Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa bị hư hỏng nặng, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà cùng các vết dặm vá ổ voi, ổ gà loang lổ.
Tài xế Nguyễn Văn Hoàng (35 tuổi) thường xuyên có hành trình trên cao tốc TPHCM - Trung Lương cho biết, tuyến cao tốc này giờ như tấm áo vá, nhiều đoạn còn dặm vá nhiều lần tạo nên các gờ nhấp nhô, những đoạn có cầu vượt bắc ngang qua thì mặt đường trồi lên nếu tài xế tay lái yếu, không quen đường mà chạy tốc độ cao sẽ rất nguy hiểm.
Cần hàng trăm tỷ đồng sửa chữa
Tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có 4 làn xe, đi qua TPHCM, Long An và Tiền Giang. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Nam được hoàn thành và thông xe vào đầu năm 2010. Ngày 1/1/2019, đơn vị đầu tư dừng thu phí và rút đi.
Sau đó, Cục Quản lý đường bộ 4 được giao quản lý đến nay. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khi dừng thu phí, lượng ô tô chạy trên cao tốc TPHCM - Trung Lương quá đông dẫn đến quá tải đường, ảnh hưởng đến tốc độ của các xe. Đặc biệt, có tình trạng nhiều phương tiện quá khổ, quá tải cũng thường xuyên lưu thông lên cao tốc khiến mặt đường bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một số tài xế còn kém, thường xuyên vượt ẩu, chạy vào làn khẩn cấp gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Ông Bon cũng cho biết, thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sớm cho tái thu phí để quản lý, đồng thời tiếp tục đầu tư sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng, bong tróc để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) cho hay, do thời gian sử dụng đã trên 10 năm nên nhiều đoạn đã xuống cấp, ước tính kinh phí sửa chữa lại toàn tuyến khoảng 300 tỷ đồng.
Từ khi tiếp nhận quản lý tuyến đường cao tốc này đến nay, đơn vị đã thường xuyên thực hiện tu sửa mặt đường, cầu cạn để đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, năm 2020 đã chi hơn 24 tỷ đồng để sửa chữa mặt đường, hệ thống camera, hệ thống điện, màn hình hư hỏng, phầm mềm; năm 2021 chi 105 tỷ đồng sửa chữa những đoạn mặt đường bị hằn lún, bong tróc, sơn sửa, khắc phục vị trí xuống cấp, đóng các đoạn rào bị phá dỡ...
Dự kiến trong năm nay sẽ chi thêm 55 tỷ đồng để tiếp tục sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp.
Nhiều tai nạn nghiêm trọng
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết, sau khi dừng thu phí, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có hàng chục nghìn lượt xe lưu thông mỗi ngày, có lúc lên đến 50.450 xe/ngày. Trong năm 2021, tuyến đường này xảy ra 144 vụ tai nạn giao thông làm chết 6 người, bị thương 32 người. Trong đó có 121 vụ va chạm; tai nạn ít nghiêm trọng 17 vụ; có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng. Quý 1/2022 (từ 1/1 đến 29/3), xảy ra tổng cộng 26 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 21 vụ va chạm, tai nạn ít nghiêm trọng 5 vụ, làm 1 người chết, 9 người bị thương. Tai nạn nghiêm trọng mới đây nhất, xảy ra sáng 29/3 khiến một người tử vong và hai người khác bị thương.
Ngô Bình