Cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ nhiều năm giờ ra sao?

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, một đoạn thuộc cao tốc Bắc-Nam kết nối miền Đông và Tây Nam Bộ. Giai đoạn 1 của dự án được Thủ tướng phê duyệt danh mục vào ngày 5/10/2010.
Công trình được khởi công từ năm 2014. Trong 10 năm qua, do nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019 - với nhiều lần điều chỉnh lùi đến 31/12/2023 (theo Quyết định số 1131 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1471 của Bộ trưởng Bộ GTVT), và nay đề xuất điều chỉnh lại lùi sang tháng 9/2025.
 Tuyến cao tốc có chiều dài 57,8km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) (13.654,6 tỷ đồng), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng 5.689,7 tỷ đồng. 
Cao toc Ben Luc - Long Thanh dinh tre nhieu nam gio ra sao?
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra và nghe báo cáo những vướng mắc, khó khăn của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành ngày 13/3 - Ảnh: VGP.
Ngày 30/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP, thống nhất chủ trương giao VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư. Tuyến cao tốc này được VEC chia thành 11 gói thầu, thuộc 3 đoạn tuyến, với 3 hiệp định vay vốn nước ngoài khác nhau, trong đó có 2 hiệp định vay vốn ADB, 1 hiệp định vay vốn Jica.
Từ giữa năm 2019 đến nay, việc đầu tư xây dựng cả 3 đoạn tuyến bị đình trệ do nhiều nguyên nhân - dẫn tới việc một số nhà thầu thi công dự án kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) để yêu cầu bồi thường theo hợp đồng đã ký kết.
Tuyến phía Tây (gồm 5 gói thầu) của cao tốc Bến Lức - Long Thành, được phê duyệt từ năm 2010, triển khai xây dựng đến năm 2018 thì rơi vào đình trệ vì nguồn vốn ngân sách khó khăn, thiếu mặt bằng sạch, biến động về giá, một số vị trí phải xử lý nền đất yếu… dẫn tới việc phải gia hạn thời gian thực hiện và hiệp định vay vốn.
Tháng 6/2019, ADB cũng đóng hiệp định vay vốn dự án nên VEC không có tiền thanh toán cho nhà thầu, phải dừng thi công nên nhà thầu gói thầu A1 đã khởi kiện VEC ra SIAC yêu cầu bồi thường các chi phí phát sinh do chậm thanh toán, chi phí quản lý, huy động công trường, thiết bị trong thời gian chờ dừng thi công.
Phía Đông cao tốc Bến Lức - Long Thành, các nhà thầu thi công 3 gói thầu A5, A6, A7 cũng đang yêu cầu VEC phải bồi hoàn chi phí dừng chờ, đồng thời tố chủ đầu tư VEC đã vi phạm hợp đồng.
Đoạn giữa tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, với 3 gói thầu J1, J2, J3 phải dừng thi công gần 4 năm để giải quyết các vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách trong nước nên nhà thầu thi công gói thầu J3 đã khởi kiện VEC ra SIAC để yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh do chậm thanh toán, chi phí quản lý, huy động công trường, thiết bị. Nhà thầu gói thầu J1 cũng đang yêu cầu VEC phải thanh toán chi phí phát sinh như nhà thầu thi công gói thầu J3.
Nhiều lời hứa, nhiều phương án được đưa ra về ngày hoàn thành, nhưng chưa có cam kết nào dám chắc cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2025 như đề xuất điều chỉnh gần đây nhất từ chủ đầu tư.
Phạm Giang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN