Ngày 15/7, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc kỳ họp thứ 17, kỳ họp thường lệ giữa năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải trình bày tờ trình của UBND TP.HCM về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án) theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án nhằm phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, hình thành phương thức vận tải công cộng văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đề án hướng tới phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Về tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa tính lãi vay khi xây dựng) từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD), không gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1).
Theo tờ trình, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 2 tuyến metro với tổng chiều dài 31 km, 24 nhà ga cùng 2 depot. Năm 2035, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km, 148 nhà ga.
Đến năm 2045, TP.HCM sẽ xây dựng, hoàn thành tổng cộng 351 km đường sắt đô thị. Năm 2060, dự kiến hoàn thành 10 tuyến metro, tổng chiều dài 510 km.
Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo, phát huy nguồn lực nhà thầu trong nước. Đề án xin cơ chế cho nhà thầu tham gia vào khâu thiết kế thi công. TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn công nghệ phù hợp.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183 km đường sắt đô thị, ông Lâm nêu, đề án đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.
Cụ thể, đề án đề xuất cho phép TP.HCM phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành.
Đáng chú ý, đề án đề xuất cho phép TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất ưu đãi.
Đồng thời, cho phép TP.HCM thành lập Tổng Công ty Đường sắt đô thị do TP.HCM nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản.
Dự kiến, đề án được trình Quốc hội và Chính phủ tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Liên quan đến nội dung này, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trước tiên, TP.HCM cần tập trung hoàn thành hạ tầng, đô thị dọc tuyến Metro số 1, hoàn chỉnh tuyến metro theo mô hình TOD và không nên chạy theo số lượng.
"Tuyến Metro số 1, 2 đều có trong quy hoạch từ rất lâu nhưng đến nay cũng mới chỉ là bước đầu. Cuối năm nay, Metro số 1 hoàn thành thì cũng chỉ đạt 1/4 kết quả nếu theo mô hình TOD. Đô thị dọc tuyến Metro số 1 chưa nhiều, hạ tầng chưa đồng bộ. Vì vậy, khoan hãy nghĩ đến việc thực hiện dự án đường sắt đô thị khác", ông Nam Sơn nói.
KTS Nam Sơn nhận định, việc xây dựng đường sắt đô thị không chỉ đơn thuần làm đường sắt chạy vòng quanh thành phố mà phải tính toán đến việc phát triển khu đô thị dọc tuyến, phát triển hạ tầng có liên quan, tạo ra hệ sinh thái... Đây mới là phát triển theo mô hình TOD, có nghĩa là TP.HCM nên có đề xuất, phương án tính theo số km2 chứ không phải số km chiều dài.
"TP.HCM cần tập trung hoàn thành thật tốt tuyến Metro số 1. Đường sắt đô thị không chỉ là phương tiện đi lại thuần túy mà phải là tổ hợp đa chức năng, vừa phục vụ đi lại, phục vụ giãn dân, vừa là nút giao thông và cả thương mại... Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải tính toán khâu kết nối, tổ chức không gian ngầm… thì mới phát huy được hiệu quả", ông Nam Sơn nhấn mạnh.